Nắm giữ hàng triệu tỷ đồng, doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng tạo 'đòn bẩy' lớn cho nền kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân sụt giảm mạnh mẽ, bằng việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào các dự án lớn, khối doanh nghiệp Nhà nước được kỳ vọng sẽ tạo đòn bẩy lớn cho nền kinh tế.
Chia sẻ tại "Talk Shows: Đối thoại đầu tuần", ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, các lãnh đạo của doanh nghiệp Nhà nước hầu hết đều có khát vọng tạo ra những dấu ấn, đột phá cho đất nước nhưng có rất nhiều điểm ràng buộc đối với họ như: Phải bảo toàn vốn, phát triển vốn, không được lỗ nhưng vẫn phải thực hiện những nhiệm vụ chính trị.
"Những khó khăn như vậy khiến họ khó có thể bứt phá", TS. Nguyễn Tú Anh đánh giá.
Ông Tú Anh cho biết, với vấn đề thua lỗ của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), nếu như EVN được quyền điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường giá điện sẽ không thể thấp như hiện nay. Trong năm 2022, ở châu Âu, giá điện điều chỉnh theo cơ chế thị trường nên giá điện đã tăng 10-12 lần, có nước tăng đến 14 lần so với năm 2022.
Nếu điều này xảy ra ở Việt Nam, một quốc gia có tới 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ thì liệu họ có tồn tại được không với một cơ cấu chi phí năng lượng lớn đến vậy. Các doanh nghiệp làm ăn khó khăn đồng nghĩa với thu nhập của người lao động giảm, ông Tú Anh nêu vấn đề.
Vì vậy, việc EVN chịu lỗ đã tạo ra lợi ích rất lớn về mặt xã hội, đóng góp vào mức tăng trưởng GDP 8,2% của năm 2022. Chỉ có điều, Việt Nam chưa có cơ chế để tính đúng, tính đủ về phần doanh nghiệp Nhà nước đã bỏ ra để tạo lợi ích xã hội.
Ngoài việc bảo đảm doanh thu, lợi nhuận, doanh nghiệp Nhà nước còn có trách nhiệm đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, khó khăn để tạo sự thúc đẩy cho nền kinh tế. Nếu ở cơ chế thị trường thì rất ít doanh nghiệp đầu tư vào do chi phí vốn sẽ cao hơn.
Vì vậy, phần chênh lệch để doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, thực hiện các hoạt động tạo lợi ích xã hội cần được tính đúng theo cơ chế thị trường để bù đắp lại cho doanh nghiệp.
Trong Nghị quyết 12 của Trung ương V Khoá XII cũng đã nhắc đến rằng phải tách bạch các hoạt động kinh doanh với các hoạt động xã hội. Cần có cơ chế cho những chi phí mà doanh nghiệp Nhà nước phải bỏ ra để thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Khơi thông nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước
Một vấn đề nữa là cả triệu tỷ đồng vốn và tài sản hiện đang nằm trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhưng cần có giải pháp, tháo gỡ khó khăn để tạo động lực cho nền kinh tế.
Doanh nghiệp Nhà nước có một nguồn vốn lớn là nguồn đầu tư của Nhà nước thông qua trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, hai năm qua, khoản đầu tư của trái phiếu Chính phủ rất chậm.
Tốc độ tăng của trái phiếu Chính phủ năm 2022 chỉ bằng 41,1% so với năm 2021, năm 2021 cũng chỉ bằng 55,4% so với năm 2020. Như vậy, năm 2022, nguồn đầu tư trái phiếu Chính phủ chỉ bằng khoảng 1/4 so với năm 2020.
“Giá như các nguồn vốn rất lớn này được khai thác tốt, thì các doanh nghiệp Nhà nước có thể tập trung xử lý được các dự án lớn mà nền kinh tế đang rất chờ đợi”, TS. Nguyễn Tú Anh chia sẻ quan điểm.
Theo ông Tú Anh, bản thân các doanh nghiệp Nhà nước luôn rất nỗ lực, sử dụng hết các nguồn lực mà họ có quyền quyết định, bằng chứng là tốc độ tăng trưởng đầu tư từ nguồn vốn tự có của doanh nghiệp Nhà nước luôn cao hơn mức tăng bình quân của toàn xã hội.
Năm 2023, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, tăng giải ngân đầu tư công cho các dự án lớn thì khối doanh nghiệp Nhà nước sẽ là động lực tạo đòn bẩy lớn cho nền kinh tế.
Những doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ trong năm 2022 có thể sẽ khắc phục được các khó khăn, với EVN là tăng giá điện, còn hàng không, đường sắt đang trong quá trình cơ cấu lại.
Nền kinh tế rất kỳ vọng vào nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp Nhà nước, bởi số vốn này không chỉ tạo lợi ích trước mắt mà còn tạo sự tăng trưởng về mặt lâu dài.
Đặc biệt, nếu tháo gỡ được khó khăn về thể chế, chính sách, khối doanh nghiệp nàysẽ thực sự phá vỡ được những rào cản, khó khăn, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế, chuyên gia nhận định.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/