Nắm bắt cơ hội tăng xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Cuba
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết ngày 18/12, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ tổ chức Hội thảo phổ biến Hiệp định Thương mại Việt Nam – Cuba nhằm mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt được các thông tin về cam kết của Hiệp định và hiểu được cơ hội, thách thức khi thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Cuba.
Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba được ký tại Hà Nội ngày 9/11/2018 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020.
Với 14 chương, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Cuba bao gồm các quy định về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hợp tác kinh tế và thương mại…
Theo đó, hai bên cam kết xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế đối với gần 100% mặt hàng đang nhập khẩu từ thị trường của nhau trong vòng 5 năm.
Hiệp định được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là sẽ tạo ra đột phá cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Cuba, thúc đẩy kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều, góp phần đưa quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Cuba lên tầm cao mới.
Đây là Hiệp định đầu tiên của Cuba với một đối tác châu Á, cho thấy sự ưu tiên của Cuba đối với Việt Nam trong chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế xã hội của đất nước mình.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 226,81 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba đạt 221,62 triệu USD, nhập khẩu từ Cuba đạt 5,19 triệu USD.
10 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 102 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Cuba 100 triệu USD, Việt Nam nhập khẩu từ Cuba 2 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Cuba chủ yếu là: gạo, cà phê, sản phẩm hoá chất, dệt may, giày dép, máy tính và linh kiện, vật liệu xây dựng, gốm sứ, máy móc và thiết bị, phụ tùng…
Trong đó gạo là mặt hàng chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Cuba. Các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam từ Cuba chủ yếu là vắc xin và dược phẩm.
Về đầu tư, hiện Việt Nam có 4 dự án đã được cấp phép đầu tư tại Cuba với tổng số vốn đăng ký lên tới hàng chục triệu USD, trong đó 2/4 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án còn lại đang trong giai đoạn tích cực chuẩn bị để sớm đi vào triển khai.
Hội thảo là một trong các sự kiện quan trọng nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước triển khai xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp và hiệu quả hơn, đặc biệt là có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội tích cực do Hiệp định thương mại Việt Nam - Cuba mang lại.
Theo báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Trang, Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, cho biết để tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ Hiệp định này mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt được các thông tin về cam kết của Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba cũng như hiểu cơ hội, thách thức, từ đó xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, với khoảng cách địa lý xa xôi, ngôn ngữ khác biệt, bởi Cuba chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha, không sử dụng tiếng Anh, hay độ mở cửa thị trường của Cuba còn thấp, thanh toán quốc tế trong thương mại còn hạn chế và các biện pháp cấm vận của Mỹ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Cuba, khiến trao đổi thương mại song phương Việt Nam – Cuba trong 2 năm gần đây (2019-2020) đã bị ảnh hưởng trực tiếp.
Vì vậy, để thâm nhập vào thị trường này, các chuyên gia lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu thị trường, tập quán tiêu dùng người dân Cuba, cũng như phương thức vận chuyển quốc tế hay hàng hóa tái xuất vào Cuba có cấu thành tối đa 10% là linh kiện của Mỹ.