Năm 2022 sẽ hoàn thành 361 km cao tốc Bắc Nam với 4 dự án khánh thành
Sáng 9/3, tại phiên họp xây dựng cao tốc Bắc Nam phía Đông, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá, giai đoạn 1 dự án đang triển khai tốt. Khâu giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành, nguồn vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu. Khối lượng xây dựng tổng thể đạt hơn 30%.
Với giai đoạn 2, một tháng qua, ban quản lý dự án đã ký xong hợp đồng lựa chọn tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường, xây dựng các khung chính sách. Đã có 4/12 địa phương đã lập Ban chỉ đạo, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tới nay, có 4 trong số 12 địa phương có tuyến cao tốc (giai đoạn 2) đi qua đã lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ chưa đáp ứng yêu cầu. Khối lượng còn lại của giai đoạn 1 còn lớn.
"Trong năm nay, chúng ta phải hoàn thành 361 km cao tốc, trong số này, có nhiều dự án mà khối lượng xây lắp mới hoàn thành khoảng 30%, còn 70% cần hoàn thành trong 9 tháng nữa. Nếu công tác đền bù chậm hoặc vật tư thiếu thì việc hoàn thành 654 km cao tốc vào năm 2024 là rất khó", Phó Thủ tướng nói.
Trong khi đó, giai đoạn 2 vẫn còn 8/12 địa phương chưa lập được Ban chỉ đạo và Hội đồng đền bù, hỗ trợ tái định cư. Ông Thành khẳng định không lùi tiến độ tổng thể tuyến cao tốc Bắc Nam, năm 2024 phải hoàn thành 654 km cao tốc; năm 2022 hoàn thành 361 km, gồm các đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Các địa phương Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận phải gỡ vướng mắc về vật liệu đắp nền. Nhà thầu chậm tiến độ sẽ bị thay thế. Ban quản lý dự án không có giải pháp bù tiến độ, hoàn thành mục tiêu đề ra thì chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Phó thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải hoàn thành lập khung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước 8/4; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường trước 18/4. 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai sẽ được thẩm tra, phê duyệt trước 30/6 và khởi công toàn bộ trước tháng 12.
Phó Thủ tướng yêu cầu 8 địa phương còn lại chưa thành lập Ban Chỉ đạo và Hội đồng đền bù, hỗ trợ tái định cư thì cần hoàn thành công việc này trong ngày 10/3. Trên cơ sở đó, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải lựa chọn các nhà tư vấn về tái định cư, khung chính sách giải phóng mặt bằng…
Đến 30/6 sẽ bàn giao mặt bằng 100%
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành. Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công; được chia thành 12 dự án thành phần; cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
"Đến nay, việc triển khai dự án cơ bản đang bám sát theo kế hoạch", Thứ trưởng cho biết. Tuy nhiên, ông thừa nhận khối lượng công việc còn lại rất lớn, như: Thủ tục lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ; Lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Lập phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng; Giám sát đầu tư cộng đồng; Hồ sơ lập báo cáo nghiên cứu dự án.
Đến nay đã có 5/12 tỉnh có văn bản thỏa thuận về hướng tuyến và các công trình trên tuyến. Bộ đề nghị 7/12 tỉnh còn lại hoàn thành công tác thỏa thuận trước ngày 10/3.
Các địa phương đã cung cấp danh sách, vị trí mỏ vật liệu, đổ thải cho 12 dự án. Các đơn vị tư vấn đang thí nghiệm chất lượng vật liệu, dự kiến hoàn thành trước ngày 20/3.
Về công tác lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ, tiến độ yêu cầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 20/4/2022. Đây là đường găng tiến độ của dự án do liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, đến giữa tháng 3, các dự án giai đoạn 2 sẽ bàn giao mốc giới mặt bằng để đền bù, giải phóng; đến cuối tháng 4 sẽ bàn giao giai đoạn 2; cuối tháng 6 bàn giao giai đoạn 3. "Như vậy, đến 30/6 sẽ bàn giao mặt bằng 100%", ông Thể nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn thể đề nghị các địa phương cần tập trung liên quan đến các vấn đề về GPMB và chỉ định thầu sau khi bàn giao mặt bằng. Để đồng loạt khởi công dự án cao tốc giai đoạn 2 từ cuối 2022, "các địa phương phải rất quyết liệt trong giai đoạn này".
Tại cuộc họp, các địa phương khẳng định cam kết hoàn thành gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022 cho các dự án đang triển khai (giai đoạn 1, 2017-2020). Đối với giai đoạn 2 (2021-2025), các địa phương sẽ nỗ lực bám sát tiến độ đề ra theo Nghị quyết 18 của Chính phủ.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ qua kiểm tra, cơ bản công tác thi công tuân thủ quy định về chất lượng, chưa để xảy ra sự cố. Chỉ ra một số tồn tại trong thi công các dự án, Bộ trưởng nhấn mạnh việc đẩy nhanh tiến độ là cần thiết, nhưng cần hết sức quan tâm đến chất lượng. Xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng vật liệu không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng.