|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hà Nội sẽ thu hồi hơn 8.000 ha đất của hơn 2.000 dự án vào năm 2020

10:37 | 05/12/2019
Chia sẻ
HĐND TP Hà Nội vừa thống nhất thông qua danh mục 2.142 dự án thu hồi đất năm 2020 với tổng diện tích là 8.051,01 ha.
DSCF6734

HĐND TP Hà Nội vừa thông qua danh mục 2.142 dự án thu hồi đất năm 2020. (Ảnh: Hà Lê)

Sáng ngày 4/12, tại Kỳ họp thứ 11, 100% đại biểu HĐND TP Hà Nội có mặt đã thông qua Nghị quyết về danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020.

Theo đó, HĐND TP Hà Nội đã thống nhất thông qua danh mục 2.142 dự án thu hồi đất năm 2020 với tổng diện tích là 8.051,01 ha; 209 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020, với diện tích 358,84 ha.

Trong đó, số dự án thu hồi đất năm 2019, đã được HĐND TP thông qua, chuyển tiếp sang Danh mục thu hồi đất năm 2020 là 1.577 dự án, với diện tích là 5.355,22 ha, trong đó có 1.360 dự án vốn ngân sách với diện tích 3.542,25 ha và 211 dự án vốn ngoài ngân sách với diện tích 1.808,85 ha.

Trên cơ sở danh mục dự án được HĐND TP thông qua, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách TP đã có trong kế hoạch đầu tư công của TP được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách TP năm 2020 của HĐND TP.

Các dự án thuộc ngân sách cấp quận, huyện để các quận, huyện bố trí. Các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng trong năm 2020.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, số dự án thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tính đến ngày 30/9/2019, là 608 dự án với diện tích 1.983,2 ha; ước đến ngày 31/12/2019 là 673 dự án với diện tích 2.172,15 ha.

TP Hà Nội cũng cho biết, ngay từ đầu năm, các sở ngành TP đã chủ động phối hợp, tập trung hướng dẫn tháo gỡ cho các chủ đầu tư và UBND các quận, huyện thị xã để triển khai các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng để thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng do một số quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường còn có sự chồng chéo, chuyển tiếp qua nhiều luật, nghị định, nên công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài hơn dự kiến. 

Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư triển khai còn cầm chừng, cân đối nguồn lực và nghe ngóng thị trường, vì vậy, chưa quyết liệt thực hiện trong công tác giải phóng mặt bằng, dẫn đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư còn chậm làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất.

Hà Lê