|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Năm 2020, BIDV kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.500 tỉ đồng, tăng vốn lên hơn 45.500 tỉ đồng

14:09 | 28/02/2020
Chia sẻ
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2020, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế 12.500 tỉ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn thêm 5.329 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu.
Năm 2020, BIDV lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.500 tỉ đồng, tăng vốn lên hơn 45.500 tỉ đồng - Ảnh 1.

Một điểm giao dịch của BIDV (Ảnh: Quang Hưng)

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2020.

Theo đó, tại đại hội, BIDV dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.500 tỉ đồng, tăng gần 15% so với mức thực hiện của năm 2019. Tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được NHNN giao (hiện là 9%); huy động vốn dự kiến tăng trưởng 9%; phấn đấu đưa tỉ lệ nợ xấu xuống dưới 1,6% và tỉ lệ chi trả cổ tức dự kiến là 7%.

Năm 2020, BIDV lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.500 tỉ đồng, tăng vốn lên hơn 45.500 tỉ đồng - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2020 của BIDV (Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ 2020)

Với phương án phân phối lợi nhuận 2019, BIDV dự kiến trích lập hơn 3.312 tỉ đồng cho các quĩ; trong đó trích quĩ khen thưởng phúc lợi là hơn 2.052 tỉ đồng. Sau trích lập, lợi nhuận còn lại của BIDV đạt gần 5.086 tỉ đồng. Cộng với 5.126 tỉ đồng lợi nhuận giữ lại các năm trước, tổng lợi nhuận trước chi trả cổ tức của ngân hàng ở mức 10.212 tỉ đồng.

Năm 2020, BIDV lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 12.500 tỉ đồng, tăng vốn lên hơn 45.500 tỉ đồng - Ảnh 3.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2019 của BIDV (Nguồn: Tài liệu họp ĐHĐCĐ 2020)

Tăng vốn thêm 13,3% qua phát hành thêm cổ phiếu

Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận, BIDV cũng sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.329 tỉ đồng (tương ứng tăng 13,3%) lên 45.549 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phần phổ đông để trả cổ tức và chào bán cổ phiếu ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.

Cụ thể, BIDV dự kiến phát hành hơn 281,5 triệu cổ phiếu để trả toàn bộ cổ tức năm 2019, tương đương với mức chi trả là 7% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 7 cổ phiếu phát hành thêm). Thời gian phát hành dự kiến là trong quí III – IV/2020, trên cơ sở phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Lượng cổ phiếu này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Đồng thời, ngân hàng dự kiến chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng gần 251,4 triệu cổ phần, tương đương 6,25% vốn điều lệ hiện tại.  Giá phát hành sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường, trên cơ sở được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo tuân thủ qui định pháp luật hiện hành. Thời gian chào bán dự kiến là trong giai đoạn 2020 – 2021, thời điểm cụ thể sẽ được giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các đơn vị có thẩm quyền.

Bên cạnh hai phương án phát hành trên, BIDV cũng đề xuất thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và phát hành trái phiếu chuyển đổi phù hợp với tình hình thực tế.

Trước đó, BIDV cho biết sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 7/3 với ngày đăng kí cuối cùng tham gia là ngày 17/2.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế BIDV đạt 10.876 tỉ đồng, tăng 15,8% và vượt 5,6% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế đạt 8.665 tỉ đồng, tăng 15,8%.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản BIDV vượt mức 1,49 triệu tỉ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2018. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 13%, lên gần 1,117 triệu tỉ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt gần 1,114 triệu tỉ đồng, tăng 12,6%. Tỉ lệ nợ xấu của BIDV giảm từ 1,9% tại thời điểm cuối năm 2018 xuống còn 1,74%.

Quốc Thụy