|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Năm 2016: Xuất khẩu hồ tiêu có thể đạt hơn 1,35 tỷ USD

15:07 | 30/11/2016
Chia sẻ
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hồ tiêu Việt Nam đã giữ kỷ lục sản xuất và xuất khẩu số một thế giới suốt 14 năm liền. Gần đây hàng loạt các Hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết giữa Việt Nam và các quốc gia, châu lục với hàng rào thuế quan thuận lợi, tạo điều kiện để hồ tiêu Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường toàn cầu. 

Định hướng cho ngành hồ tiêu, bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA cho rằng, để hồ tiêu giữ vững vị thế trên trường quốc tế thì sản xuất tiêu của Việt Nam phải hướng đến sạch, đảm bảo an toàn trong bối cảnh nhu cầu của thị trường thế giới bắt đầu chậm lại trong khi nguồn cung của nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới vẫn đang tăng mạnh; và hiện mức giá cũng đang xuống thấp.

“Tính đến hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu có thể đạt hơn 1,35 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay,” bà Oanh nói.

nam 2016 xuat khau ho tieu co the dat hon 135 ty usd
Tính đến hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu có thể đạt hơn 1,35 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay (Nguồn ảnh: TTXVN)

Xuất khẩu tăng nhưng giá vẫn giảm

Theo VPA, xuất khẩu hồ tiêu tính đến hết tháng 10 năm nay, tăng 35% lên 160 nghìn tấn. Kim ngạch tăng 15% lên 1,3 tỷ USD, cao nhất so với cùng kỳ các năm trước tuy nhiên giá lại thấp hơn hẳn so với năm 2015. Giá bình quân tiêu đen chỉ đạt 7.698 USD/Tấn, giảm 1.283USD so với năm 2015.

Bình quân giá tiêu xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 8,1 nghìn USD/tấn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Riêng tại thị trường nội địa, giá thu mua hạt tiêu đen trong tháng 11 tiếp tục giảm so với tháng trước khoảng 10.000 đồng/kg và hiện đang ở mức thấp so với tháng 3 đầu năm nay. Cụ thể, trung bình giá thu mua tiêu đen xô tại Gia Lai là 128.000 đồng/kg, Bà Rịa Vũng Tàu 132.000 đồng/kg, Đắk Lắk và Đồng Nai cùng ở 129.000 đồng/kg.

Bà Oanh cho hay: “Hiện giá tiêu đang ở mức thấp, khoảng 120.000 đến 130.000 đồng/kg, song cây tiêu vẫn là cây trồng cho lợi nhuận cao nhất so với nhiều loại cây trồng khác. Chuyện giảm hay tăng giá do thị trường, nhưng nếu giảm sâu hơn thì dân có thể không phát triển trồng mới nữa”.

Cũng theo bà Oanh, giá giảm là xu hướng chung toàn thế giới hiện nay do nguồn cung của Việt Nam dồi dào. Hơn nữa, các nước nhập khẩu tiêu lớn của Việt Nam như Hà Lan, Singapore, một số nước Trung Đông lại giảm nhập khẩu.

“Giá tiêu tiếp tục giảm phần khác vì chất lượng hồ tiêu Việt Nam hiện nay không đảm bảo yêu cầu của một số nước. Những lô hàng hồ tiêu của Việt Nam trước khi xuất khẩu đều phải trải qua quá trình kiểm định. Nếu chất lượng, đặc biệt là dư lượng thuốc BVTV trên hạt tiêu không đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu thì doanh nghiệp cũng không xuất đi nữa”, bà Oanh cho biết.

Định hướng phát triển cả chất và lượng

Theo thống kê từ Cục trồng trọt, trong 10 năm qua diện tích hồ tiêu Việt Nam tăng rất nhanh, từ 49 nghìn ha vào năm 2005 lên đến 102,6 nghìn ha vào năm 2015. Trong đó, vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ chiếm tới 94%. Cục dự báo, diện tích hồ tiêu năm 2016 có thể đạt 110,2 nghìn ha.

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2030 diện tích hồ tiêu cả nước đạt 50.000 ha nhưng đến nay diện tích hồ tiêu đã phá vỡ quy hoạch, khiến sản lượng liên tục tăng mạnh. Nguyên nhân là, giá một số loại cây trồng xuống thấp trong khi giá hồ tiêu liên tục lên cao trong nhiều năm trở lại đây, tiêu thụ dễ nên nhiều địa phương mở rộng diện tích hồ tiêu.

Theo đánh giá của VPA, hồ tiêu chiếm khoảng 5% trong tổng số gần 2 triệu ha của 5 loại cây công nghiệp chủ lực nhưng chiếm trên 10% tổng giá trị xuất khẩu. Hồ tiêu cũng là cây trồng cho giá trị xuất khẩu cao nhất.

Là cây có giá trị tốt nên người trồng hồ tiêu đã đầu tư phân bón và thuốc bảo vệ quá mức cần thiết, khiến chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng. Trên thực tế, việc các địa phương canh tác thiếu khoa học, đã khiến ngành hồ tiêu phát triển không bền vững. Bà Oanh cho biết, hàng rào kỹ thuật được các thị trường nhập khẩu thiết lập ngày càng khắt khe đang đe dọa sự phát triển bền vững của ngành hồ tiêu Việt Nam. Để hồ tiêu có chất lượng tốt, cần phải đảm bảo khâu nguyên liệu đầu vào.

Nếu thời gian tới, chất lượng hạt tiêu không được cải thiện thì sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đi xuống, đặc biệt là khi Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) chuẩn bị ban hành một số quy định mới về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá nông sản vào Mỹ, trong đó có hồ tiêu Việt Nam. Hiện nay, Mỹ chiếm tới 23% tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam.

Hồng Vũ