Mỹ tịch thu 17 máy ATM bitcoin, bỏ tù người vận hành
Một nhà điều hành máy ATM bitcoin đã bị đưa vào nhà tù liên bang trong 2 năm vì điều hành hoạt động trao đổi tiền điện tử bất hợp pháp. Các nhà chức trách Mỹ cũng đã thu giữ 17 máy ATM bitcoin, cùng với một số loại tiền điện tử bao gồm cả bitcoin.
Thắt chặt các quy định về tiền điện tử, bitcoin
Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) thông báo hôm 28/5 rằng một đối tượng ở bang California có tên là Kais Mohammad đã bị kết án 2 năm tù liên bang vì tội "điều hành mạng lưới ATM bất hợp pháp, rửa bitcoin và tiền mặt cho tội phạm".
DOJ nói rằng người đàn ông 37 tuổi này đã điều hành một doanh nghiệp tiền điện tử bất hợp pháp "trao đổi lên đến 25 triệu USD". Thậm chí, doanh nghiệp này đã đại diện cho bọn tội phạm "thông qua các giao dịch trực tiếp và một mạng lưới các ki-ốt kiểu ATM bitcoin".
Hồi tháng 9/2020, một cư dân Mỹ khác là Yorba Linda từng nhận tội danh "điều hành một doanh nghiệp chuyển tiền không có giấy phép, rửa tiền và không duy trì một chương trình chống rửa tiền hiệu quả".
Thông báo chính thức của DOJ cho biết thêm: "Mohammad đã đồng ý tịch thu 17 máy ATM bitcoin, 22.820 USD tiền mặt, 18,4 bitcoin và 222,5 đồng ethereum".
Mohammad sở hữu và vận hành doanh nghiệp có tên là Herocoin từ tháng 12/2014 đến tháng 11/2019 bằng biệt danh "Superman29". Herocoin chuyên trao đổi tiền điện tử tính phí hoa hồng lên đến 25%, "cao hơn đáng kể so với tỷ giá thị trường hiện hành", DOJ lưu ý.
Anh ta thường gặp khách hàng của mình tại một địa điểm công cộng và đổi tiền cho họ. "Mohammad thường không hỏi về nguồn tiền của khách hàng và trong một số trường hợp nhất định, anh ta biết số tiền đó là tiền thu được từ hoạt động phạm pháp. Mohammad biết ít nhất một khách hàng của Herocoin đã tham gia vào hoạt động bất hợp pháp trên web đen", Bộ Tư pháp cho biết trong một tuyên bố.
Ngoài ra, Mohammad cũng xử lý tiền điện tử được gửi vào máy ATM bitcoin, cung cấp tiền mặt cho máy để khách hàng rút và duy trì phần mềm máy chủ vận hành thiết bị.
Trong một cáo buộc khác, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Mohammad đã "cố tình không đăng ký công ty của mình với Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính", mặc dù anh ta đã biết về yêu cầu đăng ký.
Người này cũng "lựa chọn không phát triển và duy trì một chương trình chống rửa tiền hiệu quả, gửi báo cáo giao dịch tiền tệ theo quy định dành cho các sàn giao dịch tiền tệ vượt quá 10.000 USD, không tiến hành thẩm định khách hàng và gửi báo cáo hoạt động đáng ngờ cho các giao dịch trên 2.000 USD mà anh ta biết hoặc có lý do để nghi ngờ tham gia vào hoạt động tội phạm".
DOJ cho biết thêm: "Đối với mạng lưới ATM bitcoin của mình, các máy của Mohammad cho phép khách hàng thực hiện giao dịch tài chính mà không yêu cầu bất kỳ giấy tờ tùy thân nào, thực hiện liên tiếp được nhiều giao dịch lên đến 3.000 USD mỗi giao dịch trong khi không hề báo cáo hoạt động đáng ngờ cho cơ quan quản lý hoặc cơ quan thực thi pháp luật".
FinCEN đã chủ động liên hệ với Mohammad vào tháng 7/2018 và sau đó anh ta đã đăng ký với cơ quan quản lý nhưng tiếp tục không tuân thủ đầy đủ luật liên bang liên quan đến rửa tiền, tiến hành thẩm định và báo cáo những khách hàng đáng ngờ.
Mohammad cũng thực hiện nhiều giao dịch trực tiếp với các đại lý bí mật, giúp họ đổi tiền mặt thành bitcoin. Kết quả các cuộc điều tra cho biết có nhiều khách hàng làm việc bán dâm trong những quán karaoke tại Mỹ.