|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ thúc đẩy các dự án LNG ở Vịnh Mexico để thay thế khí đốt của Nga

04:45 | 21/03/2022
Chia sẻ
Tám trạm đầu mối LNG hoạt động tại Mỹ, bơm ra 14 tỷ feet khối (400 triệu m3) mỗi ngày, và 14 trạm khác đã được Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) phê duyệt.
Mỹ thúc đẩy các dự án LNG ở Vịnh Mexico để thay thế khí đốt của Nga - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Hai năm trước, công ty khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ Tellurian chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, sa thải đến 40% nhân viên và đình chỉ một dự án quan trọng ở Louisiana. Giờ đây, Chủ tịch điều hành Tellurian Charif Souki nói rằng các nhà đầu tư đang tranh nhau đề nghị cấp vốn cho các dự án của công ty.

Tại hội nghị năng lượng CERAWeek hàng năm ở Houston, ông Souki nói với AFP rằng các dự án LNG đã được thúc đẩy mạnh mẽ để tăng cường sự độc lập về năng lượng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Charlie Riedl, Phó Chủ tịch nhóm vận động cho ngành công nghiệp khí đốt tự nhiên, nhận định nhu cầu thị trường toàn cầu và mục tiêu của châu Âu nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga... là những tín hiệu thị trường tích cực, các yếu tố này rõ ràng sẽ giúp kích thích các dự án LNG và thu hút vốn đầu tư.

Ngày 8/3, Mỹ đã cấm nhập khẩu LNG, dầu mỏ và than đá từ Nga. Trước đó, Mỹ trong nhiều năm đã khuyến khích các đồng minh châu Âu giảm sự phụ thuộc vào nước láng giềng phía Đông. Nhà Trắng, trong một tuyên bố, cũng lập luận rằng "các chính sách liên bang không hạn chế việc sản xuất dầu và khí đốt. Ngược lại, chính quyền Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rõ rằng trong ngắn hạn, nguồn cung phải theo kịp nhu cầu".

Tám trạm đầu mối LNG hoạt động tại Mỹ, bơm ra 14 tỷ feet khối (400 triệu m3) mỗi ngày, và 14 trạm khác đã được Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) phê duyệt.

Dự án Driftwood LNG, nhà máy hóa lỏng và trạm xuất khẩu LNG của Tellurian nằm ở phía Nam hồ Charles, Louisiana, cũng nằm trong danh sách nói trên. Vốn bị đình trệ trong một năm rưỡi, cuối cùng dự án này sẽ được khởi công vào tháng tới. Sau khi hoàn thành, cơ sở này sẽ có thể xuất khẩu 3,6 tỷ feet khối mỗi ngày.

Vùng Vịnh Mexico sẽ chứng kiến hoạt động xây dựng các nhà máy mới tăng tốc trong những tháng tới. Năm dự án đã được FERC phê duyệt ở Louisiana, với bảy dự án khác ở Texas và Mississippi.

Kể từ khi bắt đầu xuất khẩu LNG vào năm 2016, khu vực Vịnh Mexico đã trở thành trung tâm chính của các chuyến hàng LNG toàn cầu. Một mạng lưới đường ống kết nối các cảng với các mỏ khí đốt trên khắp đất nước, từ lưu vực Permian và Haynesville ở phía Nam đến Marcellus, nơi có dự trữ khí đốt trong lục địa lớn nhất của Mỹ nằm ở phía Đông Bắc. 

Khi khí đốt được chuyển đến các trạm đầu mối ở bờ biển, chúng được hóa lỏng và chuyển lên các tàu chở LNG, hầu hết trong số đó sẽ đến châu Âu.

Đầu tháng này, công ty khí đốt Venture Global LNG đã gửi chuyến tàu xuất khẩu đầu tiên xuất phát từ trạm đầu mối mới xây dựng là Calcasieu Pass. Theo CEO của công ty, Mike Sabel, cơ sở này được xây dựng ở bờ biển Louisiana chỉ trong vòng 29 tháng - thời gian kỷ lục đối với một dự án như vậy. Ông Mike Sabel cho biết, tiến trình phê duyệt dự án Calcasieu và một dự án khác gần New Orleans đã được đẩy nhanh hơn so với trước khi xung đột Nga-Ukraine.

Ông Mike Sabel cũng nhắc đến một yếu tố khác hỗ trợ cho ngành sản xuất và xuất khẩu LNG, đó là vào đầu tháng Hai, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định rằng khí đốt, trong những điều kiện nhất định, có thể góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. 

Ông nhấn mạnh: "Đây là một vấn đề lớn bởi các ngân hàng rất nhạy cảm với chính sách và áp lực công chúng, đặc biệt là liên quan đến các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng"

Mai Ly