|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mỹ ra kết luận cuối cùng việc điều tra chống lẩn tránh thuế ống thép từ Việt Nam

22:15 | 16/11/2023
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho biết, Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Ống thép. (Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN).

Trước đó, ngày 4/8/2022, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với một số sản phẩm ống thép.

Đáng lưu ý, sản phẩm chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30 nhập khẩu từ Việt Nam với cáo buộc Việt Nam nhập khẩu thép cán nóng (HRS) là nguyên liệu chính để sản xuất ra ống thép - từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ sau đó gia công, chế biến đơn giản thành ống thép và xuất sang Hoa Kỳ.

Qua đó, nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương ứng mà Mỹ đang áp dụng với các nước/vùng lãnh thổ này.

Theo Bộ Công Thương, ngày 9/8/2023, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra sản phẩm ống thép hàn carbon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn nhập khẩu từ Việt Nam có lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng với Đài Loan (Trung Quốc) hay không.

Do đó, Bộ Thương mại Mỹ kết luận các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan (Trung Quốc) bởi không sử dụng HRS có nguồn gốc từ Đài Loan (Trung Quốc).

Đối với các sản phẩm ống thép bị điều tra còn lại, ngày 9/11/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã đăng công báo kết luận cuối cùng của vụ việc. Tại kết luận cuối cùng, DOC giữ nguyên nhận định trong kết luận sơ bộ đã ban hành vào tháng 4/2023.

Cụ thể, đó là doanh nghiệp Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương lưu ý, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam (trừ doanh nghiệp bị DOC kết luận không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra) tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng HRS có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Ấn Độ để được miễn áp dụng biện pháp.

Các doanh nghiệp bị Bộ Thương mại Mỹ kết luận không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra có thể đề nghị Bộ Thương mại Mỹ rà soát hành chính để được tham gia cơ chế tự xác nhận.

Uyên Hương