|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mỹ không thuyết phục được Nhật Bản, châu Âu về chính sách thương mại của Trump

11:46 | 15/05/2017
Chia sẻ
Nhật Bản và các nước châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh G7 cho biết họ vẫn lo ngại về chính sách tiếp cận thương mại mới của chính quyền ông Trump bất chấp cam kết mà bộ trưởng Tài chính Mỹ đưa ra.
my khong thuyet phuc duoc nhat ban chau au ve chinh sach thuong mai cua trump
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tham gia họp báo trong thời điểm diễn ra hội nghị thưởng đỉnh G7 ở miền Nam thành phố Bari, Italy. (Nguồn: Reuters).

Thứ Bảy (13/5), chính phủ Mỹ cho biết các quốc gia giàu có trên thế giới đã dần quen với chính sách thương mại của tổng thống Donald Trump, nhưng châu Âu và Nhật Bản cho thấy họ vẫn còn lo ngại về sự thay đổi này của Washington.

Các quan chức của thành viên nhóm G7 gặp mặt ở miền Nam Italy với hy vọng được nghe kỹ hơn về kế hoạch của ông Trump. Chính sách gây ra lo ngại sẽ làm chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại và dừng chiến lược tiếp cận thế giới để đưa ra cải cách trong lĩnh vực ngân hàng và biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu rằng nước Mỹ có quyền tiến hành bảo hộ nếu họ nghĩ rằng trao đổi thương mại không tự do và công bằng.

“Chúng tôi không muốn bảo hộ thương mại nhưng có quyền tiến hành bảo hộ trong bối cảnh cảm thấy thương mại không tự do và công bằng. Cách tiếp cận của chính quyền mới là muốn thương mại cân bằng hơn, và mọi người đã nghe về điều đó”, ông Mnuchin trả lời phóng vấn sau khi kết thúc buổi họp hai ngày.

Những bộ trưởng khác trong nhóm G7 thể hiện rõ rằng rằng họ không cùng quan điểm với ông.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nói: “Tất cả các bộ trưởng của sáu nước còn lại phát biểu rõ ràng, và rất trực tiếp với đại diện của chính quyền Mỹ rằng cần thiết phải duy trì tinh thần hợp tác quốc tế đối với tất cả các thành viên”.

Thống đốc ngân hàng Pháp, ông Francois Villeroy de Galhau nhận định rằng G7 đã có lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp vì khủng hoảng tài chính bắt đầu gần một thập kỷ trước. Tuy nhiên, sự bất ổn định trong định hướng chính sách của Mỹ tồn tại rủi ro, và nhắc lại phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso hôm thứ Sáu, rằng: “Chúng ta không được quay đầu với tự do thương mại vì nó đóng góng cho sự giàu có của nền kinh tế”.

Các quan chức của nhóm G7 cũng phàn nàn về việc không ai rõ nước Mỹ định nghĩa “cân bằng thương mại” như thế nào, và cách duy nhất để thiết lập cân bằng là dựa vào các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khuôn khổ của hệ thống đối thoại đa phương.

Họ cũng cho biết yêu cầu của Mỹ về cân bằng thương mại song phương về mặt kinh tế học là không chính xác, vì thâm hụt và thặng dự thương mại chỉ có thể được phân tích trên ngữ cảnh toàn cầu.

Một quan chức cấp cao của bộ Tài chính Nhật Bản phát biểu hôm thứ Bảy rằng những bất ổn về việc Cục Dự trữ liên bang (Fed) nâng lãi suất nhanh như thế nào vẫn còn, nhưng câu hỏi lớn nhất được đặt ra là liệu cắt giảm thuế có thể làm nền kinh tế vốn đã phục hồi của Mỹ bùng nổ.

Ông Trump trước đó đã đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và đưa ra đề nghị miễn thuế đối với lợi nhuận của các công ty đa quốc gia mang trở lại Mỹ. Tuy nhiên, ông đưa ra một đề xuất gây tranh cãi về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu như một cách để cân bằng khoản thu thuế bị mất từ chính sách cắt giảm.

Một số quan chức châu Âu cũng nghi ngờ về kế hoạch cắt giảm thuế của chính quyền Mỹ. “Tôi không chắc rằng với một nền kinh tế mà mọi người dân đều có việc làm và làm việc hết công suất, chính sách kích thích tài khóa sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng”, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính của Liên minh châu Âu, ông Pierre Moscovici phát biểu.

Lyly Cao