|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ: khi tổng thống phê phán doanh nghiệp

07:41 | 14/04/2018
Chia sẻ
Trong một loạt tweet (tin ngắn) đăng trên Twitter rạng sáng ngày 29-3, ông Trump cáo buộc Amazon đã không đóng thuế đầy đủ, đẩy hàng ngàn cửa hàng bán lẻ truyền thống tới chỗ đóng cửa, và lạm dụng dịch vụ giao nhận bưu kiện của Bưu chính Hoa Kỳ (USPS - U.S. Postal Services) khiến Bưu chính bị thiệt hại trầm trọng. Ông cũng bày tỏ sẽ tìm cách “chế ngự” tập đoàn này.
my khi tong thong phe phan doanh nghiep Mỹ chưa đặt ra thời gian cụ thể kết thúc đàm phán lại NAFTA
my khi tong thong phe phan doanh nghiep

Thông tin bất lợi đã làm cho cổ phiếu của Amazon giảm mất 3,3% trong hai phiên giao dịch thứ Tư và thứ Năm tuần trước, mỗi cổ phiếu mất gần 24,3 đô la Mỹ và vốn thị trường của công ty mất 24 tỉ đô la Mỹ trong một phiên.

Dường như chưa vừa lòng, sáng thứ Bảy 31-3, ông Trump tiếp tục đưa lên Twitter hai dòng tin tố cáo Amazon “lừa đảo” (scam) Sở Bưu chính Hoa Kỳ, đồng thời cáo buộc tập đoàn này sử dụng tờ báo The Washington Post làm một tổ chức vận động hành lang. Thị trường chứng khoán đóng cửa nghỉ lễ Phục sinh nên đến đầu tuần này vẫn chưa rõ nhà đầu tư phản ứng thế nào với các tweet mới này.

Có lẽ dựa trên một báo cáo phân tích hồi năm ngoái của tập đoàn ngân hàng Citigroup, theo đó cách xác định giá dịch vụ giao nhận của USPS chưa hợp lý, nếu tính đúng tính đủ thì phí giao mỗi kiện hàng phải tăng thêm 1,46 đô la, ông Trump cho rằng, cứ mỗi kiện hàng hóa của Amazon, USPS phải chịu lỗ 1,5 đô la Mỹ, trong khi Amazon lợi được hàng tỉ đô la; nếu tăng cước vận chuyển thì Amazon phải chi thêm mỗi năm khoảng 2,6 tỉ đô la nữa. “Trò lừa Bưu chính phải chấm dứt; Amazon phải trả chi phí thực (và thuế) ngay bây giờ”, ông Trump viết.

Tuy nhiên, quan điểm này không đứng vững. Amazon hợp đồng vận chuyển bưu kiện với nhiều đối tác như FedEx, UPS và USPS và mức giá mà tập đoàn này trả được coi là mức cạnh tranh và có lợi nhuận cho các nhà vận chuyển. Hợp đồng vận chuyển cho Amazon đã mang lại, chứ không làm giảm đi, lợi nhuận của USPS. Ủy ban Quản lý Bưu chính Mỹ xác nhận điều này và hàng năm họ đều xem xét, thẩm tra hợp đồng hợp tác giữa USPS và Amazon, bảo đảm USPS luôn có lợi. Được biết gần đây Amazon đã xúc tiến thành lập dịch vụ giao nhận của riêng mình để giảm phụ thuộc vào các đối tác bên ngoài.

Ông Trump cho rằng, báo The Washington Post [mà ông gọi là Fake (giả) Washington Post] hoạt động vận động cho tập đoàn Amazon nên phải đăng ký như một tổ chức vận động hành lang! Sự thực là, tuy báo Washington Post thuộc quyền sở hữu của ông Jeff Bezos, nhà sáng lập và Chủ tịch tập đoàn Amazon, nhưng tờ báo lại không thuộc về Amazon và bản thân ông Bezos cũng không giữ vai trò gì trong hoạt động biên tập, sản xuất nội dung của tờ báo. Có điều, Washington Post, cùng với đài CNN, báo The New York Times (mà ông Trump gọi là Failing New York Times) và nhiều cơ quan báo chí theo khuynh hướng tự do khác, đã phản biện mạnh mẽ hầu như mọi hoạt động của chính quyền và bản thân ông Trump, gây cho ông này nhiều nỗi bực dọc và khó khăn.

Về thuế má, trước đây Amazon không thu thuế VAT cho hàng hóa bán ở các bang mà Amazon không có cơ sở hoạt động, theo một điều luật về thương mại điện tử năm 1992. Từ năm 2017, tập đoàn này đã thu thuế VAT cho hàng hóa bán ở 45 tiểu bang có thuế VAT và trong năm 2017, Amazon đã đóng gần 1 tỉ đô la tiền thuế. Cho đến nay, Amazon chỉ thu [hộ] thuế VAT cho những mặt hàng mà công ty trực tiếp kinh doanh, còn hàng hóa của bên thứ ba kinh doanh trên nền tảng Amazon thì vẫn chưa đóng thuế.

Trong thực tế, sự phát triển của Amazon và các doanh nghiệp thương mại điện tử tương tự đã dẫn tới việc đóng cửa hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong các lĩnh vực sách báo, hàng gia dụng, tạp hóa thực phẩm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe; tuy nhiên cần xem đây là xu thế của thời đại, không nên quy trách nhiệm rằng Amazon đã “phá hoại” kinh tế của nhiều gia đình Mỹ. Không có Amazon thì sẽ có những công ty khác thực hiện kinh doanh trên mạng như Amazon.

Có khả năng ông Trump sẽ lệnh cho Bộ Tư pháp điều tra chống độc quyền hoặc áp dụng luật cạnh tranh để triệt hạ Amazon. Nếu điều này xảy ra thì theo giới phân tích, sẽ là một cú đảo ngược so với truyền thống, vì từ xưa đến nay tổng thống Mỹ không bao giờ can thiệp vào hoạt động của một doanh nghiệp cụ thể. “Đó sẽ là một sự vi phạm và lạm dụng trầm trọng quy trình của chúng tôi”, bà Diana Moss, Chủ tịch Viện Chống độc quyền Mỹ, cho biết.

Nhận định của người lãnh đạo quốc gia, dù tích cực hay tiêu cực, sẽ có tác động tới hoạt động của doanh nghiệp, làm méo mó thị trường và đó là điều mà Chính phủ Mỹ luôn tránh còn các doanh nghiệp thì lo ngại sâu sắc.

Huỳnh Hoa