Mỹ có thực sự thoát được sự phụ thuộc vào dầu thô Trung Đông?
Mỹ đang là quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới
Theo CNN, tổng thống Donald Trump mới đây tuyên bố Mỹ sẽ không còn phụ thuộc vào dầu thô của Trung Đông: “Giờ đây Mỹ hoàn toàn không cần đến dầu thô từ Trung Đông”.
Không thể phủ nhận rằng ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Mỹ đang bùng nổ và họ là người tạo lập “sân chơi” trên thị trường dầu thô toàn cầu.
Thực tế, Mỹ đang là nước có sản lượng dầu thô lớn nhất thế giới, vượt Arab Saudi và Nga, đạt gần 13 triệu thùng/ngày vào giữa tháng 10/2019 , gấp đôi so với năm 2011.
Lượng dầu thô xuất khẩu của nước này là khoảng 3 triệu thùng/ngày. Công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ phát triển mạnh mẽ trong thập kỉ qua giúp hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài. Đó cũng là lí do Mỹ không bị ảnh hưởng quá lớn trong những đợt gián đoạn nguồn cung ở khu vực Trung Đông thời gian gần đây.
Theo tờ The Epoch Times, giáo sư tài chính tại đại học Creighton nhận định: “Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông có ảnh hưởng nhất định đối với giá dầu thô nhưng không quá nhiều như10 năm trước.
Một số người có vẻ bất ngờ khi giá dầu không tăng quá mạnh khi căng thẳng ở Iran leo thang. Tuy nhiên, điều đó chỉ diễn ra trong quá khứ, còn hiện tại thị trường dầu thế giới đã thay đổi khi Mỹ đang là nước khai thác dầu thô lớn nhất thế giới”.
Theo chuyên gia phân tích cấp cao Phil Flynn tại công ty Price Futures Group: “Sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 8/1, chúng ta có thể coi cơn khủng hoảng đã qua đi hoặc ít nhất là nó đang tạm dừng.
Hiện nay những rủi ro đối với thị trường dầu thô đã giảm đi bởi thời điểm này Iran không muốn tình hình trở nên căng thẳng hơn”.
Mỹ có thể độc lập với nguồn cung dầu thô từ Trung Đông?
Tuy nhiên, theo CNN, thực tế, Mỹ vẫn phải phụ thuộc vào Trung Đông, đặc biệt là Arab Saudi. Cần lưu ý rằng dầu thô là mặt hàng được giao dịch trên toàn thế giới.
Điều này đồng nghĩa với việc bất kì sự gián đoạn nguồn cung nào cũng sẽ đẩy giá mặt hàng này lên.
Chẳng hạn như, nhà đầu tư đang cảnh giác cao độ với rủi ro nguồn cung dầu ở eo biển Hormuz, điểm trung chuyển dầu lửa quan trọng từ Vịnh Ba Tư đến toàn thế giới.
“Thực tế việc gián đoạn nguồn cung ở bất kì đâu cũng có thể khiến giá dầu thô tăng”, ông Bob McNally, chủ tịch tập đoàn tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group, cho biết.
Trước đó, hồi tháng 9/2019, giá dầu thô tăng tới 15% sau khi cơ sở khai thác dầu thô của Arab Saudi bị tấn công. Ông Trump phản ứng với sự kiện này bằng việc sử dụng dầu thô trong Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Quốc gia nhằm giữ nguồn cung được ổn định.
“Nếu Mỹ không cần đến dầu thô của Trung Đông, vậy tại sao Tổng thống Donald Trump phải dùng đến Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Quốc gia?”, theo ông McNally nguyên cố vấn năng lượng cho cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush.
Arab Saudi thành công trong việc phục hồi khai thác dầu thô nhanh chóng sau vụ tấn công, giúp giá dầu thô “hạ nhiệt” trở lại. Và đây là một trong những sự việc có thể thay đổi suy nghĩ về sự phụ thuộc của Mỹ vào OPEC.
Thêm vào đó, Mỹ không thể ngay lập tức tăng sản lượng để ứng phó với trường hợp nguồn cung bị thiếu hụt. Họ sẽ phải mất nhiều tháng và áp lực giá dầu tăng sẽ buộc các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ tăng hết công suất.
Chỉ duy nhất Arab Saudi vẫn còn dư địa để tăng công suất khi cần thiết nhằm ứng đối phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Đó cũng là lí do năm 2018, Tổng thống Donald Trump yêu cầu Arab Saudi tăng cường khai thác dầu thô hơn nữa nhằm bù đắp nguồn cung từ Iran do phải chịu lệnh trừng phạt.
“Nếu Mỹ độc lập về nguồn cung, họ sẽ không cần thiết phải yêu cầu Arab Saudi tăng sản lượng”, ông Croft, cựu chuyên gia phân tích CIA, nhận định.
Hệ thống lọc dầu của Mỹ được xây dựng từ thế kỉ trước và chỉ hoạt động hiệu quả nhất với loại dầu thô nặng. Trong khi đó, dầu đá phiến lại là dầu nhẹ. Điều này đồng nghĩa loại dầu này khó có thể thay thế được dầu nhập khẩu từ Iran hay Venezuela.
Về lí thuyết, Mỹ có thể dùng nhiều dầu nhẹ hơn để thay thế trong trường hợp khẩn cấp. Nhưng họ phải đánh đổi rằng giá dầu thô Mỹ sẽ rẻ hơn rất nhiều so với giá dầu thế giới và các doanh nghiệp khai thác phải chịu thiệt hại, ông McNally nhận định.
Điều này đồng nghĩa Mỹ phải nhập khẩu dầu nặng từ các nước như Canada, Mexico, Arab Saudi, Iraq.