Mỹ đang theo dõi 9 nước có dấu hiệu thao túng tiền tệ, bao gồm Trung Quốc
Bloomberg đưa tin, Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố báo cáo ngoại hối bán niên gửi Quốc hội, theo báo cáo này không quốc gia nào bị coi là nước thao túng tiền tệ.
9 nước bị đưa vào danh sách theo dõi vì phù hợp với 2 trên 3 tiêu chí đánh giá mà Bộ Tài chính đưa ra. Trong số này có 5 nước mới bị thêm vào lần đầu là Việt Nam, Ireland, Italy, Singapore và Malaysia; 4 quốc giá cũ là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Hai nước được đưa ra khỏi danh sách theo dõi là Ấn Độ và Thụy Sỹ.
Ảnh minh họa: Bloomberg.
Việt Nam có tên trong danh sách theo dõi
Theo một quan chức Bộ Tài chính Mỹ, lẽ ra bản báo cáo bán niên này phải được công bố vào giữa tháng 4 (năm tài khóa của chính phủ Mỹ bắt đầu vào 1/10 hàng năm) nhưng đã bị hoãn lại một phần vì thay đổi trong các tiêu chí được dùng để đánh giá các quốc gia.
Việc bị Mỹ coi là nước thao túng tiền tệ sẽ không kèm theo sự trừng phạt chính thức nào ngay lập tức, nhưng tiếng xấu này có thể làm các thị trường tài chính phải náo loạn.
Theo hãng tin Bloomberg, Việt Nam từng có nguy cơ rất lớn bị Mỹ coi là quốc gia thao túng tiền tệ nhưng rồi nguy cơ đã không thành hiện thực sau khi các quan chức chính phủ Việt Nam đến Washington tuần trước để làm rõ một số thông tin.
Theo Bloomberg, Việt Nam đã chứng minh một cách đáng tin cậy rằng giá trị mua ròng ngoại hối trong năm 2018 của mình dưới ngưỡng 2% GDP mà Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ vẫn ghi nhận Việt Nam đang kiểm soát chặt chẽ giá trị tiền đồng so với USD.
Các đối tác thương mại lớn của Mỹ: Bỉ, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hong Kong, Ireland, Ấn Độ, Italy, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, Hà Lan, Singapore, Thụy Sỹ, Đài Loan, Thái Lan, Anh, Việt Nam.
Các nước trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam.
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Trump hướng sự tập trung về giao dịch ngoại hối của các nước, đề xuất áp thuế quan đối với những nước cố ý định giá thấp đồng tiền nước mình.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các doanh nghiệp Mỹ có thể đề nghị chính phủ áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm từ các nước mà Bộ Tài chính xác định có hành vi định giá thấp đồng tiền để cạnh tranh không lành mạnh. Từ năm 1994 đến nay, chưa có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ bị gắn mác thao túng tiền tệ này.
Trong một thông cáo, Bộ trưởng Steven Mnuchin cho biết: "Bộ Tài chính xem xét rất nghiêm túc bất kì dấu hiệu kiểm soát tiền tệ không công bằng nào, và Bộ cũng đang mở rộng đánh giá các đối tác thương mại lớn để đảm bảo hoạt động tiền tệ công bằng và minh bạch hơn".
Số lượng quốc gia được Mỹ xem xét về hành vi kiểm soát tiền tệ tăng lên sau khi Bộ trưởng Steven Mnuchin hạ một số tiêu chí đánh giá.
Ba tiêu chí đánh giá quốc gia thao túng tiền tệ
Hiện nay, các quốc gia có thặng dư tài khoản vãng lai với Mỹ trên 2% GDP có thể bị đưa vào danh sách đánh giá, ngưỡng trước đó là 3%. Hai tiêu chí khác bao gồm việc liên tục can thiệp vào thị trường tiền tệ nước minh, và có thặng dư thương mại với Mỹ từ 20 tỉ USD trở lên.
Những thay đổi đối với ba tiêu chí này được đưa ra một năm trước, danh sách đánh giá của Bộ Tài chính Mỹ do vậy bao phủ tới 80% giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu với Mỹ. Bất kì quốc gia nào có tác động đáng kể tới triển vọng kinh tế vĩ mô của Mỹ đều được theo dõi, một quan chức Bộ Tài chính cho hay.
Khi còn là ứng cử viên tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Donald Trump từng nói ông sẽ gắn mác thao túng tiền tệ lên Trung Quốc ngay trong "ngày đầu tiên" tại nhiệm. Tuy nhiên đến nay, các tiêu chí do Bộ Tài chính Mỹ đưa ra chưa cho phép ông Trump thực hiện tuyên bố này.
Những quốc gia thỏa mãn 2 trên 3 tiêu chí nói trên sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi. Trung Quốc chỉ thỏa mãn một tiêu chí nhưng vẫn có tên trong danh sách vì, Bộ Tài chính cho biết, thặng dư thương mại của nước này với Mỹ là quá lớn.