|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ: Các ngân hàng lớn ở Phố Wall 'gặp vận may' trong bối cảnh đại dịch

06:44 | 25/01/2022
Chia sẻ
Theo bài viết của tác giả John Cassidy đăng trên The New Yorker, kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được xác nhận ở Mỹ, đến nay người ta ngày càng thấy rõ những ai đang được lợi từ đại dịch.
Mỹ: Các ngân hàng lớn ở Phố Wall 'gặp vận may' trong bối cảnh đại dịch - Ảnh 1.

Trụ sở ngân hàng JPMorgan Chase tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Những công ty khổng lồ về công nghệ như Amazon và Microsoft được hưởng lợi rõ ràng nhất từ việc người dân chuyển sang làm việc từ xa, song các ngân hàng lớn ở Phố Wall và các công ty tài chính hùng mạnh cũng nằm trong số đối tượng được hưởng lợi lớn từ đại dịch.

Ngày 14/1 vừa qua, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ là JPMorgan Chase thông báo đã đạt được mức lợi nhuận sau thuế 48,3 tỷ USD trong năm 2021. Đây là mức tăng tương đương 35% so với con số 36 tỷ USD lợi nhuận mà JPMorgan Chase đạt được trong năm 2019 (năm trước đại dịch), mức lợi nhuận từng là kỷ lục tại thời điểm đó.

Ngay cả ông Jamie Dimon - vị Chủ tịch đầy tham vọng của JPMorgan Chase - chắc chắn cũng không thể mong đợi một sự phục hồi ngoạn mục như vậy vào thời điểm quý đầu tiên của năm 2020. Khi đại dịch mới diễn ra, JPMorgan Chase đã yêu cầu hầu hết nhân viên làm việc tại nhà và lợi nhuận của ngân hàng này đã giảm gần 70% so với cùng kỳ năm trước.

Trong thư gửi các cổ đông vào tháng 4/2020, ông Dimon đã viết: "Chúng tôi không biết chính xác tương lai sẽ như thế nào. Tuy nhiên ở mức tối thiểu, chúng tôi cho rằng sẽ diễn ra một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ kết hợp với căng thẳng tài chính tương tự như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008".

Khi công bố báo cáo lợi nhuận mới nhất của JPMorgan Chase vào ngày 14/1, Giám đốc tài chính Jeremy Barnum của ngân hàng này, cho biết: "Điều nổi bật là sự ổn định của cả doanh thu và lợi nhuận trong một giai đoạn rất biến động". Thuật ngữ "sự ổn định" là một phát biểu khiêm tốn bởi trên thực tế JPMorgan Chase chưa bao giờ có kết quả kinh doanh tốt như vậy và điều này đã trở thành phổ biến chứ không phải là ngoại lệ trên Phố Wall.

Ngày 18/1, ngân hàng Goldman Sachs đã công bố mức lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 21,6 tỷ USD cho năm 2021. Theo Bloomberg News, 12 tháng qua là một khoảng thời gian tuyệt vời đối với ngân hàng này và Goldman Sachs đang chuẩn bị trao cho một số nhân viên cấp cao nhất hai khoản tiền thưởng cuối năm.

Đầu tiên là khoản tiền thưởng thường xuyên hàng năm mà đối với những người có hiệu suất cao nhất tại Goldman, khoản thanh toán này có thể lên đến hàng triệu USD. Khoản tiền thưởng thứ hai sẽ được trao thêm cùng với khoản tiền thưởng đầu tiên. 

Theo Bloomberg, đó sẽ là một khoản thanh toán một lần để "ghi nhận thành công vang dội của ngân hàng trong đại dịch". Nói cách khác, đây sẽ là “tiền thưởng COVID-19”, hay chính xác hơn là tiền thưởng đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và đại dịch COVID-19.

Không phải là phóng đại khi nói rằng vận may hiện tại của các tập đoàn tài chính phố Wall là kết quả của các chính sách kích thích kinh tế mà Fed và Quốc hội Mỹ đã đề xuất để giảm bớt hậu quả của đại dịch. Khi số ca bệnh COVID-19 gia tăng từ giữa tháng 2/2020 đến giữa tháng 3/2020, chỉ số chứng khoán trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm khoảng 10.000 điểm, tương đương khoảng 1/3.

Sau khi Fed công bố các biện pháp khẩn cấp như cắt giảm lãi suất, mua tài sản tài chính quy mô lớn cùng một loạt các chương trình cho vay khẩn cấp, thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi, và đó là một đặc điểm được thiết kế, không phải là nhờ may mắn. 

Qua việc bơm hơn 100 tỷ USD mỗi tháng vào thị trường trái phiếu, Fed muốn ổn định mọi thứ và khuyến khích việc chấp nhận rủi ro. Thị trường chứng khoán đã tăng khá nhiều cho đến tháng 12/2021, khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố rằng ngân hàng trung ương Mỹ đang chuẩn bị thay đổi chính sách tiền tệ để chống lại lạm phát.

Đối với các tập đoàn tại Phố Wall, thị trường tài chính sôi động giống như “nhiên liệu tên lửa”. Với các khách hàng doanh nghiệp mong muốn huy động vốn giá rẻ và mua lại các công ty khác, doanh thu từ đầu tư của JPMorgan Chase đã tăng gần 40% trong năm 2021 so với năm trước.

Phí từ quản lý tài sản, cũng rất nhạy cảm với thị trường, đã tăng 16%. Một yếu tố khác thúc đẩy kết quả kinh doanh của JPMorgan Chase là làn sóng vỡ nợ mà ông Dimon và các chủ ngân hàng khác lo lắng trong thời gian đầu của đại dịch đã không diễn ra.

Trong hai năm 2020 và 2021, sau khi Quốc hội phân bổ hàng nghìn tỷ đô la để hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, hầu hết người dân Mỹ đều có thể tiếp tục trả nợ. Gần đây, JPMorgan Chase và các ngân hàng khác đã bắt đầu sử dụng số tiền mà họ đã để dành để trang trải các khoản nợ xấu vào các hoạt động kinh doanh khác.

Cần nói rõ rằng lợi nhuận từ các thị trường tài chính phục hồi không chỉ giới hạn ở các nhà giao dịch và các nhà môi giới Phố Wall, bởi hầu như bất kỳ ai sở hữu cổ phiếu đều thấy danh mục đầu tư của họ đã tăng giá kể từ khi đại dịch bắt đầu. Vấn đề là hầu hết các hộ gia đình Mỹ có rất ít hoặc không có tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán, bởi sự giàu có tài chính được phân phối không bình đẳng.

Theo số liệu của Fed, trong quý III/2021, nhóm 1% gia đình giàu có nhất nước Mỹ sở hữu 21.600 tỷ USD cổ phiếu (trực tiếp hoặc thông qua quỹ tương hỗ), 9% số hộ gia đình giàu có tiếp theo sở hữu 14.100 tỷ USD và 50% những gia đình nghèo nhất ở Mỹ chỉ sở hữu 300 tỷ USD cổ phiếu.

Thống kê chi tiết hơn đối với các tài sản khác, chẳng hạn như bất động sản, cũng cho thấy có sự gia tăng giá kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tài sản phi tài chính được phân phối đều hơn một chút so với tài sản tài chính, nhưng không đủ để bù đắp sự mất cân bằng về tổng thể. 

Theo ước tính của Fed, nhóm 1% những gia đình giàu có nhất sở hữu 43.900 tỷ đô la giá tài sản phi tài chính này trong quý III/2021 và nhóm 50% những gia đình nghèo nhất chỉ sở hữu 3.400 tỷ đô la.

Điểm mấu chốt là hầu hết người dân Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội khi giá bất động sản tăng cao do chính sách ứng phó với đại dịch, hoặc chỉ tranh thủ được cơ hội đó ở mức độ rất hạn chế, và lợi ích thu được chủ yếu tập trung ở nhóm những người giàu.

Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Do phần lớn lợi nhuận gia tăng mà các công ty Phố Wall được hưởng giống như "của trời cho" nên một trong những chính sách có thể đưa ra là đưa ra là áp một khoản thuế vào lợi nhuận này, và sử dụng nguồn thu này để tài trợ cho các khoản chi bổ sung của liên bang hoặc giảm thâm hụt ngân sách. 

Trong các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, Quốc hội Mỹ đã đánh thuế doanh nghiệp kiểu này với lý do một số doanh nghiệp, trong đó có các nhà thầu quân sự, thu được lợi nhuận quá cao.

Một lựa chọn khác là áp dụng một lần thuế tài sản đối với các tỷ phú mà Thượng nghị sĩ Ron Wyden đã đề xuất vào cuối năm ngoái trong các cuộc thảo luận về kế hoạch “Xây dựng lại Tốt hơn” (Build Back Better) của Tổng thống Joe Biden. Mục đích ở đây là để đánh thuế đối với những lợi ích bất ngờ mà đại dịch COVID-19 mang lại cho nhóm những người giàu nhất tại Mỹ.

Quốc hội Mỹ sẽ gặp thách thức lớn trong việc thông qua bất kỳ đề xuất nào như vậy, song không thể nói là bất khả thi. Tháng trước, Thượng nghị sĩ Joe Manchin được cho là đã nói với Nhà Trắng rằng ông sẽ chấp nhận một số điều khoản đánh thuế tài sản như một phần của kế hoạch chi tiêu rút gọn.

Có lẽ chính quyền ông Biden nên hướng sự chú ý của mình vào những gì đang xảy ra tại Phố Wall để có thể thúc đẩy một phần của dự luật “Xây dựng lại tốt hơn”.

Quang Huy