|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mỹ bị chỉ trích vì tích trữ lượng lớn thuốc chữa COVID-19

13:26 | 02/07/2020
Chia sẻ
Các chuyên gia y tế lên án việc Mỹ mua gần như toàn bộ lượng cung toàn cầu của remdesivir, loại thuốc duy nhất trên thế giới được phê duyệt để điều trị COVID-19.
Mỹ bị chỉ trích vì tích trữ lượng lớn thuốc chữa COVID-19 sau 'thỏa thuận tuyệt vời' của ông Trump - Ảnh 1.

Một hộp thuốc remdesivir. Ảnh: Reuters

Giới chuyên gia khẳng định hành động của Mỹ sẽ đặt tiền lệ nguy hiểm cho những nỗ lực chia sẻ các phương thức chữa trị hiếm hoi trong đại dịch.

Hôm 30/6, chính phủ Mỹ thông báo Tổng thống Donald Trump đã đạt được "một thỏa thuận tuyệt vời" để mua thuốc chữa COVID-19 cho người dân.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) cho biết chính quyền ông Trump đã bảo đảm được 500.000 liệu trình điều trị thuốc cho các bệnh viện cho đến hết tháng 9. Con số này tương đương với 100% sản lượng thuốc của Gilead trong tháng 7 và 90% công suất trong tháng 8 và tháng 9. Gilead Sciences là hãng dược sản xuất remdesivir.

"Chính quyền Tổng thống Trump đang làm tất cả mọi thứ có thể để để tìm hiểu thêm về phương pháp trị liệu cứu sống bệnh nhân COVID-19 và đảm bảo khả năng tiếp cận tới các phương pháp chữa trị cho người Mỹ", HHS tuyên bố.

Mỹ bị chỉ trích vì tích trữ lượng lớn thuốc chữa COVID-19 sau 'thỏa thuận tuyệt vời' của ông Trump - Ảnh 2.

Dược sĩ nghiên cứu thuốc remdesivir để chữa trị COVID-19. Ảnh: Reuters

Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy người nhiễm COVID-19 được điều trị bằng remdesivir phục hồi nhanh chóng hơn bệnh nhân không sử dụng loại thuốc này. Remdesivir là loại thuốc duy nhất được cả Mỹ và Liên minh châu Âu phê chuẩn để điều trị những người bị bệnh nặng vì virus SARS-CoV-2

Ông Ohid Yaqub, giảng viên cấp cao tại Đại học Sussex gọi động thái của Mỹ là "một tin đáng thất vọng. Thỏa thuận mua remdesivir với số lượng quá lớn cho thấy Mỹ không sẵn lòng hợp tác với các quốc gia khác".

Tiến sĩ Peter Horby nói với BBC rằng thế giới cần "một cơ chế mạnh mẽ hơn" nhằm đảm bảo mọi người dân và các quốc gia được tiếp cận với những loại thuốc thiết yếu với mức giá hợp lí. Ông cũng nói rằng với tư cách là công ty Mỹ, Gilead có vẻ phải chịu đựng "áp lực chính trị trong nước".

Tờ AP cho biết ông James Slack, phát ngôn viên của Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chối chỉ trích động thái của Mỹ. Ông Slack nói thêm rằng Anh có "nguồn dự trữ remdesivir đầy đủ" cho bệnh nhân, nhưng không nêu con số cụ thể.

Đức và Thụy Sĩ cho biết hai nước này có nguồn dự trữ remdesivir đủ dùng. Hôm 1/7, EU cho biết họ đang đàm phán để mua được thuốc cho 27 quốc gia thành viên. Hàn Quốc đã bắt đầu phân phối remdesivir trong nước, nhưng dự kiến sẽ thảo luận để mua thêm vào tháng 8.

Ông Thomas Senderovitz, người đứng đầu Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch, nói với đài truyền hình DR rằng động thái của Mỹ có thể gây nguy hiểm tới châu Âu và những nước khác.

"Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì như thế này. Một công ty mà lại chỉ bán thuốc cho mỗi một quốc gia. Quyết định này rất lạ lùng và không thích đáng. Hiện tại Đan Mạch có đủ remdesivir để vượt qua mùa hè nếu số bệnh nhân không tăng đột biến. Nếu xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai, chúng ta sẽ gặp khó".

Gilead cho biết hãng dược này đang liên kết với các nhà sản xuất thuốc ở Ấn Độ và Pakistan để cung cấp remdesivir cho 127 quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, Gilead chưa bàn bạc chi tiết chiến lược cung cấp thuốc cho những nước phát triển ngoài Mỹ.

Theo tờ SCMP, trong giai đoạn đầu của đại dịch, Mỹ từ chối xuất khẩu các đơn hàng khẩu trang đã kí kết từ trước sang những nước khác. Mỹ cũng bị cho là đã "nẫng tay trên" một số máy thở vốn dĩ được chuyển sang những nước khác.

Tính đến sáng 2/7, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 lần lượt là hơn 2,7 triệu và hơn 130.000 người.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 30/6, Cố vấn y tế Nhà Trắng - Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo Mỹ đang "chống dịch sai hướng" và có thể phải đối mặt với 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Hiện Mỹ báo cáo khoảng 40.000 ca nhiễm mới một ngày.

Giang

Dow Jones tăng 400 điểm, Russell 2000 chạm đỉnh lịch sử sau khi ông Trump chọn Bộ trưởng Tài chính
Cổ phiếu tiếp tục vọt tăng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định chọn ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính. Ông Bessent được kỳ vọng sẽ đưa ra những chính sách có lợi cho thị trường chứng khoán và hạn chế các chính sách bảo hộ của ông Trump.