Muốn tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,5%, ba quý sau cần tăng thêm 0,1% so với kịch bản đề ra
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý I kể từ năm 2020 đến nay.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi đồng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; chỉ số tồn kho giảm mạnh, thu hút FDI đạt cao, hoạt động kinh tế-xã hội sôi động hơn…
Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bản đồ tự do kinh tế toàn cầu; cùng với Indonesia, Singapore là "tam giác vàng" khởi nghiệp của ASEAN; tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên 107 trong Bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của UNDP.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhận định, khó khăn, thách thức còn rất lớn; có những yếu tố mới đặt ra từ cả bên trong và bên ngoài nền kinh tế, tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, các cân đối lớn và công tác quản lý, điều hành thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới.
Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển đã đề ra; nỗ lực khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức để triển khai hiệu quả công việc được giao.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo hai kịch bản tăng trưởng.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%, trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%, trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Kiến nghị những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 5 giải pháp.
Thứ nhất, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án luật, nghị quyết, nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7; phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội để chủ động tiếp thu, giải trình, nhất là với những vấn đề thể chế, cơ chế, chính sách, quy định mới, thí điểm, đặc thù.
Thứ hai, tập trung xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở..., bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội cho phép sớm thi hành các luật này trong tháng 7/2024. Các địa phương cần tập trung rà soát, sửa đổi văn bản thuộc thẩm quyền để có thể áp dụng Luật Đất đai ngay sau khi có hiệu lực, nhất là xây dựng bảng giá đất.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thứ tư, bảo đảm yêu cầu, tiến độ thực hiện chế độ tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024 theo đúng chủ trương của Trung ương Đảng, nghị quyết của Quốc hội.
Thứ năm, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...
Bên cạnh đó, cần khẩn trương cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; nghiên cứu, tham mưu các cơ chế, chính sách, giải pháp mới, toàn diện và đột phá để khai thác tối đa thời cơ, cơ hội, thuận lợi mới cho tăng trưởng và phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.