|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mumuso là thương hiệu Hàn Quốc hay Trung Quốc ?

20:30 | 19/06/2018
Chia sẻ
Sau nghi án "giả thương hiệu Hàn Quốc", Bộ Công thương cũng bác việc nhận nhượng quyền thương hiệu và xử phạt do có nhiều vi phạm nhưng đến nay Mumuso tại Việt Nam vẫn "sống khỏe".
mumuso la thuong hieu han quoc hay trung quoc Mumuso nói gì về cáo buộc mạo danh Hàn Quốc bán hàng Trung Quốc?
mumuso la thuong hieu han quoc hay trung quoc
Các cửa hàng của Mumuso tại TP.HCM vẫn "sống khỏe" - NGỌC DƯƠNG

Khéo léo “che mờ” xuất xứ

Sáng cuối tuần 17.6, tại cửa hàng Mumuso trong Vạn Hạnh Mall (Q.10, TP.HCM), khách vào mua sắm chủ yếu giới trẻ. Có 3 sinh viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạnh đang lựa chọn mua một số phấn và cây kẻ mắt. Các bạn đều cho biết đây là mỹ phẩm của Hàn Quốc mà họ ưa chuộng vì giá rẻ và màu sắc hợp thời trang. Hỏi tiếp có biết chắc đây là thương hiệu của Hàn Quốc không khi thông tin nghe là hàng Trung Quốc. Nữ sinh viên tên H.B.Trân nói ngay: “Trên nhãn mác có ghi “Korea” mà cô. Gu mỹ phẩm này là chỉ của Hàn thôi cô ạ. Trung Quốc đã là công xưởng của thế giới rồi, nên họ không chỉ gia công mỹ phẩm Hàn mà nhiều mỹ phẩm Pháp, Mỹ cũng sản xuất tại đấy”.

Các sản phẩm tại đây được bán giá thấp nhất 43.000 đồng cho một cái ly, 4 viên pin 2A, bộ lô tóc 3 cái, cặp móc dán tường… cho đến con thú nhồi bông lớn hơn triệu đồng. Gần như 100% sản phẩm được bán trong chuỗi cửa hàng này đều được sản xuất tại Trung Quốc. Nhân viên bán hàng tại đây cũng khẳng định, sản phẩm được bán có nguyên liệu và thiết kế từ Hàn Quốc, chỉ gia công tại Trung Quốc. Tuy nhiên, khi khách hàng thắc mắc chính người Hàn Quốc không biết thương hiệu này thì người bán từ chối trả lời và cho biết có gì liên lạc với văn phòng công ty.

Rõ ràng, Mumuso tại Việt Nam đang “làm mờ” các yếu tố Trung Quốc thông qua việc chỉ giới thiệu thương hiệu đến từ Hàn Quốc hay thiết kế phong cách Hàn. Đồng thời trên các sản phẩm luôn ghi “Mumuso-Korea”. Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm trong chuỗi cửa hàng này đều có thiết kế và bao bì na ná các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc.

Đặc biệt trong khi bao bì các nhãn hàng có thương hiệu ở Hàn Quốc viết bằng tiếng Anh và tiếng Hàn song song thì các sản phẩm trong Mumuso đều chi chít tiếng Hàn. Chẳng hạn, chai sữa dưỡng thể của A’Pieu (Hàn) với gam màu xanh trắng có hình con bò sữa thì Mumuso cũng có sản phẩm hình thức gần như vậy được ghi toàn tiếng Hàn bên ngoài. Hay hộp mặt nạ nha đam của Nature Republic và Mumuso giống y nhau về kích cỡ, màu sắc và một số thông số bên ngoài. Chưa hết, tuýp kem rửa mặt hiệu TheFaceShop (Hàn) với hình hai trái cherry bên ngoài, Mumuso cũng có sản phẩm tương tự y chang và cũng toàn chữ Hàn với hình hai trái cherry màu đỏ sậm hơn...

mumuso la thuong hieu han quoc hay trung quoc
Nhiều sản phẩm của Mumuso tưởng rẻ nhưng không rẻ - NGỌC DƯƠNG

Giá bán không rẻ so với chất lượng

Không chỉ bị truyền thông Hàn Quốc chỉ mặt Mumuso là “mạo danh thương hiệu Hàn Quốc để bán hàng ra thế giới” mà đài MBC còn cho rằng, điều đáng lo ngại là hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều đang mua sản phẩm giả mạo mà không biết. Bởi đài này chỉ ra rằng rất nhiều dòng chữ tiếng Hàn trên các sản phẩm của Mumuso đang bán ở Việt Nam không hề có ý nghĩa gì cả. Chuyên gia về ngôn ngữ học Hàn Quốc khẳng định: Đây là vấn đề rất nghiêm trọng của các sản phẩm này. Ngay cả người Hàn còn chẳng hiểu những chữ tiếng Hàn viết trên sản phẩm là gì thì người Việt sao biết được?

Đặc biệt, hệ thống cửa hàng này luôn tự hào là mang đến những sản phẩm có thiết kế trẻ trung theo phong cách Hàn cho người Việt với giá thấp. Tuy nhiên nhiều sản phẩm cũng có giá cao ngất ngưỡng. Ví dụ bộ lô tóc 3 cái có giá 43.000 đồng - đây là giá thấp nhất tại cửa hàng Mumuso thì ở chợ, sản phẩm này có giá chưa đến 20.000 đồng. Hay một cái gối cổ có giá 165.000 đồng trong khi hàng Việt Nam tương tự ở một siêu thị trong nước chỉ có 100.000 đồng...

Huyền, một khách hàng sau khi dạo một vòng cửa hàng Mumuso tại Trung tâm thương mại SC Vivo (Q.7, TP.HCM) vào chủ nhật vừa qua đã lắc đầu đi ra mà không mua món nào. Bởi theo Huyền, toàn hàng sản xuất tại Trung Quốc thì “có gì cao siêu so với hàng của Việt Nam mà giá đều mắc hơn”.

Bằng cách quảng bá mạnh mập mờ về xuất xứ thương hiệu, chỉ sau hơn 1 năm ra đời đơn vị này đã có 27 cửa hàng ở TP.HCM và Hà Nội và kế hoạch mở 80 cái cũng tại 2 thành phố lớn này. Vì vậy câu chuyện Mumuso được một chuyên gia bán lẻ ví von là “hồn Trương Ba, da hàng thịt” . Vị chuyên gia này nhận định: Nếu họ không nói thương hiệu, sản phẩm có liên quan từ Hàn Quốc thì làm sao hút được người mua? Thậm chí cũng không thể bán được giá như hiện tại. Vì nếu nói là hàng sản xuất ở Trung Quốc thì phải bán thấp hơn mới hy vọng có khách hàng... Kiểu lập lờ này là lừa dối khách hàng.

Ông Lê Phụng Hào, chuyên gia marketing phân tích thêm: Mumuso đánh vào tâm lý thích thương hiệu Hàn Quốc của một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, nhất là giới trẻ và điều đó giúp đơn vị này nhanh chóng mở rộng hàng loạt cửa hàng. Tuy nhiên từ việc công bố và sản phẩm hay nguồn gốc công ty thì khá lập lờ. Thử hỏi yếu tố Hàn Quốc thật sự là chỗ nào? Là nguyên liệu sản xuất hay thiết kế có đăng ký bản quyền từ Hàn Quốc? Vì vậy theo ông Lê Phụng Hào, khi thị trường có độ mở càng lớn thì người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ về thương hiệu, sản phẩm trước khi chấp nhận trả tiền để mua hàng. Để tránh “sập bẫy” của những thương hiệu tự phong nổi tiếng và phải trả giá đắt cho sản phẩm dù chất lượng không cao.

Hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc, tự xưng là thương hiệu của Hàn Quốc nhưng không có ở xứ xở kim chi. Nói nhượng quyền thương hiệu vào VN thì không đúng. Rốt cuộc thì Mumuso là Hàn Quốc, Trung Quốc...vẫn chưa có câu trả lời.

Tổng hợp báo cáo của Cục Quản lý thị trường tại TP.HCM, từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan này đã phát hiện nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh hàng tiêu dùng, mỹ phẩm. Cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính 322,5 triệu đồng, tịch thu và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Ngoài ra là vi phạm về ghi nhãn hàng hóa với trị giá hàng hóa vi phạm trên 5,6 tỉ đồng. Còn tại Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường cũng phát hiện một số dấu hiệu vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn phụ ghi không đủ nội dung bắt buộc với trị giá hàng hóa vi phạm 140 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 219 sản phẩm mỹ phẩm chưa công bố chất lượng...