|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%: Không nhất thiết phải 'chăm chăm' khai thác tài nguyên

21:28 | 17/06/2017
Chia sẻ
Với sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,7% có thể sẽ đạt được song đặt ra lo ngại về sự phát triển bền vững.
muc tieu tang truong gdp 67 khong nhat thiet phai cham cham khai thac tai nguyen
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Ảnh: Báo Thanh tra

Với kịch bản “tự nhiên”, tăng trưởng tuy không đạt như kỳ vọng song lạm phát sẽ ở mức thấp nhất là 2,35%. Thay vì “chăm chăm” khai thác tài nguyên thiên nhiên, hai lĩnh vực nên tập trung phát triển là tiêu dùng và dịch vụ du lịch.

Thông tin vừa được đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2017 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 16.6 tại Hà Nội.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - cho biết, hai kịch bản đưa ra dựa trên hai yếu tố lớn, thứ nhất là trạng thái thực của nền kinh tế từ năm trước đến năm nay, nếu không có những can thiệp mạnh của Nhà nước trong việc thực thi kế hoạch đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6,37%.

Cùng với đó, lạm phát sẽ không cao vì một số yếu tố như giá lương thực, thực phẩm giảm do nguồn cung thị trường (đơn cử như mặt hàng thịt lợn) bị quá tải… Việc điều hành tiền tệ chặt chẽ vì lạm phát lõi tương đối ổn định, thậm chí là suy giảm trong những năm gần đây.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, kinh tế Việt Nam hiện nay đang khai thác tiềm năng ngắn hạn là chủ yếu và không bền vững. “Khi một nước đạt được thu nhập bình quân đầu người từ 2.000 USD/năm trở lên rất khó đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%” - ông Tuyển nói.

Ông Tuyển cho rằng, chúng ta cần tập trung khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn là chủ yếu, trong đó cần tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một chính phủ kiến tạo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng đưa ra 3 hướng cần tập trung phát triển, thay vì “chăm chăm” khai thác tài nguyên thiên nhiên và đầu tư công quá nhiều. Cụ thể, ông Lực cho rằng Chính phủ nên tập trung nhiều hơn vào khâu tiêu dùng chiếm 75% GDP (năm 2016, tương đương 3,7 triệu tỉ đồng), nếu năm nay lĩnh vực tiêu dùng tăng thêm 1%, tương đương tăng thêm 380.000 tỉ, trong khi đó khai thác 1 triệu tấn dầu thô theo tính toán chỉ đạt 9.000 tỉ đồng.

Thứ hai, cần tập trung vào lĩnh vực dịch vụ, trong đó ngành du lịch là mũi đột phá. Năm ngoái, ngành du lịch đạt 35.000 tỉ đồng, nếu năm nay thúc đẩy du lịch tăng khoảng 20% sẽ đạt mức 42.000 tỉ, tăng thêm 7.000 tỉ tương đương với khai thác 1 triệu tấn dầu.

Ngoài ra, ông Lực cho rằng, điểm cốt lõi thứ ba là mặc dù trong 5 tháng đầu năm thành lập hơn 50.000 doanh nghiệp nhưng cần cải thiện môi trường kinh doanh để nuôi dưỡng doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện gắn kết khu vực doanh nghiệp tư nhân, DNNVV với DNNN và doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng tốt hơn.

Khánh Linh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.