|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mức tăng trưởng khối lượng tiền (M2) năm 2016 cao nhất trong ba năm qua

16:27 | 27/03/2017
Chia sẻ
Thống kê mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tình hình phương tiện thanh toán, lượng tiền gửi cũng như dư nợ nền kinh tế năm qua đều tăng trưởng.
Theo Danh mục nhóm chỉ tiêu quốc gia: Tổng phương tiện thanh toán (M2) phản ánh khối lượng tiền tệ trong nền kinh tế tại một thời điểm nhất định (cuối quý, năm). Trong đó bao gồm tổng lượng tiền mặt ngoài hệ thống ngân hàng; tiền gửi bằng VNĐ và ngoại tệ, vàng của dân cư, các tổ chức kinh tế tại các ngân hàng thương mại. NHNN là cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

Tính đến 31/12/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 18,38% so với cuối năm trước; dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 18,25%; tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư tăng lần lượt 18,13% và 17,4%.

Các chỉ tiêu này đều cao tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, trong đó tổng phương tiện thanh toán có mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm trở lại đây (năm 2014 tăng 17,69%; năm 2015 tăng 16,23%).

Diễn biến trong năm 2016 cho thấy, tháng 6 là thời điểm tổng phương tiện thanh toán có mức tăng mạnh nhất với 2,57% so với tháng liền trước. Tính đến cuối tháng 12, tổng phương tiện thanh toán đạt 7.125,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,22% so với tháng 11 và tăng 18,13% so với đầu năm. Số liệu này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua.

muc tang truong khoi luong tien m2 nam 2016 cao nhat trong ba nam qua
Tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi của khách hàng tại TCTD. (Nguồn: SBV)

Đi liền với tổng phương tiền thanh toán, thống kê cũng cho thấy tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến 31/12/2016 đạt gần 2.509 nghìn tỷ đồng, tăng 18,13%; tiền gửi của cư dân đạt trên 3.489,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17,4%.

Với chỉ tiêu dư nợ tín dụng, thống kê của Ngân hàng Nhà nước chỉ ra lũy kế dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế năm qua đạt trên 5.505 nghìn tỷ đồng, tăng 18,25% so với cuối năm 2015. Trong đó, vận tải biển có tốc độ tăng trưởng dư nợ nhiều nhất với 25,52%, đạt 1.194,8 nghìn tỷ đồng; kế đến là các hoạt động dịch vụ khác tăng 21,98%. Trong khi đó, tăng trưởng dư nợ của hoạt động công nghiệp ở mức thấp nhất 10,87% và xây dựng khoảng 12,24%.

muc tang truong khoi luong tien m2 nam 2016 cao nhat trong ba nam qua
Tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế năm 2016. (Nguồn: SBV).

Cơ cấu dư nợ cho thấy ngoài hoạt động dịch vụ khác thì công nghiệp và thương mại là hai hoạt động chiếm phần lớn dư nợ của nền kinh tế với lần lượt là 21,8% và 18,2%.

muc tang truong khoi luong tien m2 nam 2016 cao nhat trong ba nam qua
Cơ cấu dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế năm 2016. (Ảnh: Tiến Vũ tổng hợp).

Trước đó tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2016, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 29/12/2016, tín dụng tăng 18,71% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản chậm lại. Tín dụng VNĐ tăng cao trong khi tín dụng ngoại tệ tăng thấp.

Ngoài ra, nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2,46%. Từ đầu năm 2016 đến hết 30/11/2016, VAMC đã thực hiện mua 839 khoản nợ, với tổng dư nợ gốc là 23.283 tỷ đồng, giá mua nợ là 22.483 tỷ đồng.

Mục tiêu năm 2017, tín dụng tăng 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng 16% đến 18%. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu ổn định lãi suất và đặc biệt nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn.

Tiến Vũ

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.