|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mức chiết khấu cao gấp đôi của doanh nghiệp ngoại đe dọa nhà bán lẻ Việt

15:17 | 30/09/2016
Chia sẻ
Không chỉ ấn định giá bán hàng rẻ hơn, doanh nghiệp ngoại còn tận dụng tiềm lực kinh tế của mình để đưa ra mức chiết khấu cao gấp đôi cho nhà sản xuất. Chính điều này tạo sự cạnh tranh gay gắt trong thị trường bán lẻ nội - ngoại.

“Doanh nghiệp nội cạnh tranh với nước ngoài... quen rồi”

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Thị trường bán lẻ Việt Nam: Hướng đi nào cho doanh nghiệp nội địa?" do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/9, câu chuyện cạnh tranh với các đơn vị bán lẻ nước ngoài đã được đại diện doanh nghiệp trong nước chia sẻ cụ thể.

Khi các thương vụ M&A đình đám trong thị trường bán lẻ gần đây đã giúp nhiều tập đoàn Thái Lan đưa hàng hóa của mình tràn vào hệ thống các siêu thị trên cả nước, nhiều người lo sợ hàng hóa trong các chuỗi bán lẻ sẽ bị "Thái hóa".

Sự lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở, bởi các doanh nghiệp nước ngoài có nhiều thế mạnh về kinh nghiệm, tài chính, có sự hỗ trợ của tập đoàn lớn để xâm nhập nhanh vào thị trường Việt Nam.

muc chiet khau cao gap doi cua doanh nghiep ngoai de doa nha ban le viet

"Cạnh tranh với nước ngoài không phải vấn đề mới, cái mới ở đây là việc hàng Việt đang cạnh tranh trực tiếp với hàng Thái", đó là cách các chuyên gia bắt đầu câu chuyện cạnh tranh nội - ngoại.

(Ảnh: Linh Lê)

Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Co.op Mart trăn trở: "Trong một số cuộc hội thảo mà chúng tôi tham gia, nhiều nhà sản xuất cho rằng hàng hóa của họ khi đưa vào các doanh nghiệp nước ngoài được chiết khấu cao gấp đôi so với vào Saigon Co.op. Chính chính sách chiết khấu đã tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà bán lẻ".

Thừa nhận hoạt động mua bán sát nhập diễn ra mạnh mẽ gần đây đang đặt cho nhà bán lẻ trong nước áp lực ngày càng lớn, nhưng ông Hoàng Anh vẫn khách quan nhìn nhận, đó cũng chính là môi trường và động lực thúc đẩy doanh nghiệp nội chủ động, nghiêm túc hơn trong việc xây dựng, điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng.

Đặc biệt, ông cho rằng: "Saigon Co.op đã phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài từ nhiều năm trước đây nên cũng... quen rồi. Chúng ta phải lấy thế mạnh "thuần Việt" để tạo lợi thế cạnh tranh".

Các nhà đầu tư ngoại đang tận dụng mạnh về giá để giành ưu thế. Nhưng theo sự phân tích của các chuyên gia, yếu tố giá chưa đủ để quyết định thành công của doanh nghiệp, bởi còn phụ thuộc vào vấn đề chất lượng, dịch vụ, thái độ phục vụ của nhân viên…

Dù vậy, Giám đốc Marketing Co.op Mart vẫn tin tưởng người tiêu dùng mới là người quyết định cuối cùng. Hàng Việt có thực sự còn chỗ đứng hay không là do sự lựa chọn của người mua, bởi nhà bán lẻ sẽ chỉ nhập hàng Việt khi nguồn hàng này tiêu thụ tốt và đem về lợi nhuận nuôi sống doanh nghiệp.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự tọa đàm đã kêu gọi: để cạnh tranh thì các nhà đầu tư trong nước cần mạnh dạn lên tiếng về những bất hợp lý trong chính sách, nhất là chính sách về chiết khấu mà doanh nghiệp nước ngoài đang áp dụng.

"Kiểm soát tập trung kinh tế" sẽ bảo vệ doanh nghiệp nội

Đáp lại kiến nghị từ phía doanh nghiệp, bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết: "Trong Luật Cạnh tranh có nội dung kiểm soát tập trung kinh tế (tức là kiểm soát các nội dung M&A) nhằm theo dõi các giao dịch dựa theo giá trị thương vụ, xác định một doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế nhất đảm trách thống lĩnh thị trường. Những hoạt động lợi dụng vị trí thống lĩnh kinh tế để ảnh hưởng thị trường đều bị cấm".

Mặc dù số lượng thương vụ M&A thời gian qua rất nhiều, nhưng số đối tượng thuộc diện kiểm soát tập trung kinh tế không nhiều. Hiện nay chỉ có 30 thương vụ, riêng bán lẻ mới có 20 thương vụ.

Trước thắc mắc việc nhà bán lẻ ngoại đưa ra chiết khấu cao có lạm dụng vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp nước ngoài không, bà Phương Lan giải đáp: "Nếu có hiện tượng này thì có thể xem xét dưới góc độ cạnh tranh. Nhưng chúng tôi cần những thông tin đầy đủ, chính xác về việc áp đặt chiết khấu cụ thể, thời gian nào, bao nhiêu, tăng như thế nào… Từ đó, chúng tôi mới có giải pháp để hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp nội được".

muc chiet khau cao gap doi cua doanh nghiep ngoai de doa nha ban le viet

"Tập trung đầu tư vào logistics và ứng dụng công nghệ là một trong những giải pháp tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ.

(Ảnh: Linh Lê)

Khi được hỏi về biện pháp để cạnh tranh với nước ngoài, các doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu trong nước đều nhấn mạnh đến tính chủ động của chính nhà đầu tư nội, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, hiện đại và xu hướng bán lẻ đa kênh đang phát triển trên thế giới.

Cụ thể, Phó Tổng giám đốc Hapro, bà Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết: "Chúng tôi quy hoạch lại hệ thống bán lẻ thành 2 loại hình siêu thị, phục vụ cho 2 đối tượng khác nhau. Ngoài nguồn hàng để kinh doanh bán lẻ thì công ty có thêm mảng xuất khẩu để chia bớt áp lực kinh doanh. Đặc biệt, Hapro hiện đang chuyển dịch sang các thị trường ngách, hướng về nông thôn để tìm kiếm khách hàng".

Thời gian

Tên doanh nghiệp

Hoạt động tại thị trường Việt Nam

2014

Aeon Nhật Bản

Xây dựng trung tâm thương mại Celadon Tân Phú

Lotte Mart của Hàn Quốc

Khai trương trung tâm thương mại số 8 có quy mô lớn tại Việt Nam

Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan

Mua toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam

2015

Tập đoàn Central Group Thái Lan

1, Mua 49% cổ phần của chuỗi bán lẻ điện tử Nguyễn Kim

2, Mua toàn bộ hệ thống Big C

Emart của Hàn Quốc

Gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam khi khai trương khu trung tâm mua sắm tại TP HCM

Simply Mart của Pháp

Ra mắt thêm 3 cửa hàng tại Sài Gòn

Cuối 2016 (dự kiến)

Auchan Super của Pháp

Mở thêm 17 chuỗi siêu thị đến cuối năm

Bảng: Danh sách các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây

Linh Lê