Mua lại cổ phiếu quĩ, DRH Holdings đang ra sức đỡ giá cổ phiếu?
Mới đây, HĐQT CTCP DRH Holdings (Mã: DRH) đã thông qua việc dùng vốn tự có của công ty để mua lại 565.000 cổ phiếu của cán bộ công nhân viên nghỉ việc để làm cổ phiếu quĩ.
Số cổ phiếu này sẽ được chuyển quyền sở hữu qua Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) trong tháng 9 và tháng 10/2019, theo dự kiến. Giá mua lại được xác định theo giá phát hành.
Tính từ đầu năm nay, DRH Holdings chỉ mới mua vào10.000 cổ phiếu ESOP làm cổ phiếu quĩ trong khoảng thời gian 26/3-15/4.
Liên quan đến các giao dịch mua bán khác, vào ngày 15/5/2019, bà Trương Thị Lan, mẹ ruột của Thành viên HĐQT Dương Ngọc Hải đã đăng kí mua 6 triệu cổ phiếu DRH, nâng tỉ lệ sở hữu lên 9.84% nếu giao dịch thành công.
Tuy nhiên, do thị trường không phù hợp nên bà Trương Thị Lan chỉ mua được 175.350 cổ phiếu. Do vậy, bà Lan đã tiếp tục đăng kí mua tiếp lượng cổ phiếu chưa mua được còn lại.
Kết quả ở lần giao dịch thứ hai, bà Lan chỉ gom được 279.600 cổ phiếu, tỉ lệ sau giao dịch chỉ mới đạt 0,74%.
Động thái mua lại cổ phiếu của người có liên quan đến người nội bộ, đặc biệt là các đợt mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quĩ gần đây của DRH Holdings diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DRH của doanh nghiệp này liên tục rớt giá.
Sau khi đạt đỉnh 78,000 đồng/cp vào ngày 13/7/2016, cổ phiếu DRH bắt đầu đà giảm cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù có một vài phiên điều chỉnh ở đầu năm nay nhưng cũng không đủ sức vực dậy.
Kết phiên chiều ngày 23/8/2019, cổ phiếu DRH đóng cửa tại 6.900 đồng/cp, tướng ứng mất hơn 91% thị giá tính từ mức đỉnh vào ngày 13/7/2016.
Biến động giá cổ phiếu DRH từ năm 2011 đến nay. Nguồn: VNDIRECT
Nói về việc rớt giá của cổ phiếu DRH, Chủ tịch HĐQT Phan Tấn Đạt từng cho rằng, cung cầu thị trường do nhà đầu tư chứ doanh nghiệp không tác động lên giá cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 (19/4), ông Đạt cũng nói thêm, việc giá cổ phiếu giảm thứ nhất có thể do kết quả kinh doanh thấp và thứ hai có thể do công tác IR (Investor Relation: Quan hệ nhà đầu tư) chưa tốt.
Kể từ năm 2018, kết quả kinh doanh của DRH Holdings đã được "cứu" bởi công ty liên kết là CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB). Nếu không có khoản lãi 76 tỉ đồng từ KSB, nhiều khả năng DRH phải báo lỗ trong năm 2018.
Bước sang năm 2019, kết quả kinh doanh của DRH Holdings tiếp tục phụ thuộc vào KSB. Trong quí I, lợi nhuận từ KSB giảm 33% về 13 tỉ đồng đã khiến lợi nhuận chung của DRH Holdings giảm 43% so với cùng kì, đạt hơn 7 tỉ đồng.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của DRH Holdings chỉ đạt hơn 23 tỉ đồng. Trong khi đó, lãi từ KSB đóng góp gần 36 tỉ đồng. Công ty không phát sinh nguồn thu từ kinh doanh bất động sản. Toàn bộ doanh thu 16 tỉ đồng có được đến từ cung cấp dịch vụ.
KSB nằm trong "chiến lược holdings" của DRH Holdings. Các khoản đầu tư vào đơn vị này giúp chúng DRH Holdings mở rộng bất động sản khu công nghiệp, mảng DRH Holdings đang nhắm tới.
Liên quan đến việc liệu DHR Holdings có tăng tỉ lệ sở hữu tại KSB hay không, ông Phan Tấn Đạt đã trả lời các cổ đông tại Đại hội, do công ty đang triển khai một số dự án bất động sản nên chưa có nguồn vốn để tăng tỉ lệ sở hữu.
Trong năm nay, sau khi có dòng tiền thu từ các dự án mà chưa có kế hoạch đầu tư mới thì DRH Holdings sẽ tiếp tục nâng tỉ lệ này. Tính đến ngày 30/6/2019, DRH Holdings đang sở hữu 28,11% vốn tại KSB.