'Mùa Đông bán dẫn' của Hàn Quốc đang đến gần?
Khi đối thủ toàn cầu của Samsung là công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục thành công, đặc biệt là trong lĩnh vực chip trí tuệ nhân tạo (AI), “gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc lại đang phải đối mặt với một bước ngoặt quan trọng là cải tổ doanh nghiệp.
Giá cổ phiếu của Samsung Electronics đã giảm xuống còn khoảng 59.000 won (43 USD) cho mỗi cổ phiếu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán tháo cổ phiếu của công ty từ đầu tháng 9/2024, trước khi Samsung công bố báo cáo doanh thu. Sự sụt giảm cả về doanh thu lẫn cổ phiếu phản ánh mối lo ngại lớn hơn về khả năng duy trì vị thế dẫn đầu của Samsung trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên trường quốc tế.
Cuộc chiến chip leo thang đã làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và Samsung hiện bị mắc kẹt trong sự cạnh tranh này, khi nhu cầu giảm đối với sản phẩm chính của hãng - chip DRAM - làm dấy lên mối lo ngại về "mùa Đông bán dẫn" tiềm tàng hoặc giai đoạn suy thoái kinh tế hoặc trì trệ trong ngành chip nhớ.
Trong khi đó, các công ty Trung Quốc đang nhanh chóng thúc đẩy năng lực công nghệ của họ trong ngành bán dẫn. Ví dụ, Morgan Stanley dự báo sự suy giảm trong lĩnh vực chip nhớ, chủ yếu là do nhu cầu đối với DRAM thông thường giảm và khả năng cung vượt cầu bộ nhớ băng thông cao (HBM).
Các nhà sản xuất Trung Quốc, như CXMT, dự kiến sẽ sản xuất hơn 10% DRAM của thế giới trong năm nay, thách thức sự thống trị truyền thống của Samsung, SK hynix và Micron.
Tác động của cuộc khủng hoảng chip nhớ đặc biệt nghiêm trọng đối với Hàn Quốc, nơi ngành công nghiệp bán dẫn là nền tảng của nền kinh tế xuất khẩu và gắn chặt với an ninh quốc gia. Các cường quốc, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đang nhanh chóng thúc đẩy ngành công nghiệp chip của mỗi nước, thông qua các biện pháp trợ cấp và quản lý rộng rãi.
Để ứng phó, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã đưa ra một gói biện pháp nhằm hỗ trợ ngành bán dẫn trong nước. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành cho rằng các biện pháp này là không đủ, khi chính phủ chỉ cung cấp hỗ trợ gián tiếp như các khoản vay lãi suất thấp, thay vì giải quyết các nhu cầu cơ bản của ngành.
Samsung đã phát triển mạnh mẽ nhờ các khoản đầu tư lớn và công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện tại làm nổi bật nhu cầu cấp thiết về khả năng sáng tạo và cải cách trong công ty. Thay vì theo đuổi các chiến lược đổi mới, Samsung đã áp dụng một cách tiếp cận thận trọng hơn, tập trung vào các biện pháp tiết kiệm chi phí.
Những người chỉ trích trong các công đoàn lao động của công ty đã nêu lên mối quan ngại về văn hóa lãnh đạo mà họ tin rằng ưu tiên lợi ích cá nhân hơn là tiến bộ tập thể, mô tả phong cách quản lý là độc đoán và thiếu tầm nhìn dài hạn.
Những thách thức mà Samsung Electronics phải đối mặt là đa diện, bao gồm sự cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu thị trường thay đổi và tình trạng kém hiệu quả nội bộ. Khi bối cảnh bán dẫn phát triển, Samsung phải thực hiện những cải cách mạnh mẽ và áp dụng cách tiếp cận táo bạo đối với đổi mới.
Rủi ro rất cao, không chỉ đối với công ty mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc. Nếu không có hành động quyết đoán và sự lãnh đạo có tầm nhìn xa, Samsung có nguy cơ mất đi vị thế là một cường quốc bán dẫn toàn cầu.