|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mua 10 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước đang làm gì?

10:12 | 26/08/2016
Chia sẻ
Đến tuần này, hoạt động mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đánh dấu mốc đạt 10 tỷ USD, tính từ đầu năm. Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia cũng tăng kỷ lục, đạt trên 40 tỷ USD.

Cùng thời điểm, Văn phòng thống kê FDI Intelligence, thuộc tờ Financial Times (Mỹ) đưa ra công bố: lần thứ hai liên tiếp, Việt Nam đứng đầu danh sách 14 quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tại buổi họp báo ngày 24/8, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam tăng cao nhất từ trước tới nay; dòng vốn vào thuần đã tăng tới 3,5 lần so với cùng kỳ năm trước; giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến tháng 6/2016 đạt trên 16 tỷ USD - mức kỷ lục.

Lợi cả đôi đường

Những thông tin trên phản ánh về Việt Nam - một điểm đến hấp dẫn. Trong đó, sự ổn định của tỷ giá USD/VND là một cơ sở quan trọng. Tính đến thời điểm này, 2016 đang là năm tốt nhất trong cả thập kỷ gần đây đối với nhà đầu tư nước ngoài, xét về mức độ rủi ro tỷ giá.

Nói cách khác, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã không bị “móc túi” như trước bởi rủi ro tỷ giá, thậm chí còn có lợi khi tỷ giá USD/VND đến nay thấp hơn đáng kể so với đầu năm.

Tỷ giá ổn định là một trong những điểm nhà đầu tư nước ngoài xem xét. Cùng đó, với sự cải thiện rõ rệt của dự trữ ngoại hối quốc gia, hẳn nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn vào khả năng chống đỡ rủi ro, hay năng lực giữ ổn định thị trường đã tốt hơn. Về mặt đối ngoại này, Ngân hàng Nhà nước đang ghi điểm.

Nhưng, trong nước, nổi bật những tháng gần đây là dấu hiệu cung tiền và tín dụng tăng khá mạnh, hay nói nôm na là trạng thái thừa tiền thể hiện rõ hơn ở các chỉ báo trên thị trường. Ở đây, mối liên hệ là lượng lớn VND đưa ra để mua khoảng 10 tỷ USD nói trên, cùng quan ngại về lạm phát.

Số liệu thống kê cập nhật mới nhất, đến tháng 8 và lũy kế 8 tháng đầu năm, lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Gắn với những chỉ báo cung tiền và tín dụng tăng khá cao, khi lạm phát vẫn ở mức thấp thì có thể đánh giá tăng trưởng tín dụng đã thực chất hơn, dù độ trễ tác động của yếu tố tiền tệ đối với lạm phát vẫn còn phía trước.

Tất nhiên Ngân hàng Nhà nước không để dư thừa tiền quá nhiều. Như các bản tin VnEconomy cập nhật gần đây, hoạt động phát hành tín phiếu được đẩy mạnh; số dư tín phiếu đang lưu hành đã được đẩy lên khoảng 61.000 tỷ, để trung hòa bớt lượng tiền rất lớn đưa ra mua ngoại tệ.

Quyền lực nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước. Muốn giảm thiểu hơn nữa tác động của nguồn tiền lớn đưa ra mua ngoại tệ, họ có các kênh và công cụ để hút bớt tiền về nhiều hơn nữa. Song, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn luôn nhìn sang Bộ Tài chính - nhà điều hành chính sách tài khóa.

Không khó để kiểm chứng. Mỗi khi Bộ Tài chính tung trái phiếu Chính phủ ra, Ngân hàng Nhà nước lại ngừng nhịp phát hành tín phiếu, và ngược lại. Nhịp độ này có hàm ý: Ngân hàng Nhà nước muốn hỗ trợ hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, qua giữ nguồn vốn và thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào, còn can thiệp bằng tín phiếu chỉ mức độ nhất định.

Đó cũng là sự hỗ trợ cho chi phí quốc gia. Với nhu cầu huy động lượng vốn lớn cho cân đối ngân sách, nếu Ngân hàng Nhà nước không “tạo điều kiện” gián tiếp như trên, cầu lớn và sức ép hoàn thành chỉ tiêu, thì lãi suất trái phiếu Chính phủ chắc chắn sẽ không được dễ chịu như thời gian qua và hiện nay (giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm trước).

Lãi suất trái phiếu Chính phủ dễ chịu thì chi phí ngân sách cũng đỡ nặng nề. Đổi lại, nó cũng bớt áp lực phá vỡ mặt bằng lãi suất chung trên thị trường - điều mà Ngân hàng Nhà nước đang có mục tiêu phải bình ổn, thậm chí giảm được trong năm nay.

Vậy nên, chỉ chưa đầy 8 tháng đầu năm, tổng lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đã đạt tới khoảng 90% kế hoạch. Theo đó, quý cuối năm nhu cầu thực hiện chỉ tiêu đã nhẹ, kênh trái phiếu Chính phủ bớt chèn lấn nhu cầu vốn trên thị trường, lãi suất và tín dụng ngân hàng có phần để thuận lợi hơn.

Mục tiêu nào của tỷ giá?

Trở lại với quy mô mua vào ngoại tệ tới 10 tỷ USD, đặt ngược tình huống: nếu Ngân hàng Nhà nước không mua vào, chắc chắn tỷ giá USD/VND đã thấp nhiều hơn nữa so với đầu năm.

Cụ thể hơn, nếu Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước không chặn mua ở giá 22.300 VND, giữ nguyên suốt 7 tháng qua, thì có thể lần đầu tiên sau nhiều năm, đặc biệt là từ kỳ căng thẳng 2008 cho đến 2015, thị trường đã được chứng kiến “kỳ vọng tỷ giá ngược” rõ ràng hơn.

Bởi cuối 2015 đầu 2016, hầu như tất cả mọi dự báo trên thị trường đều hướng về kỳ vọng tỷ giá USD/VND năm 2016 sẽ tăng thêm ít nhất 4%. Còn thực tế, tính theo tỷ giá trung tâm đến ngày 24/8 thì lại giảm 0,03% so với đầu năm.

Nhìn rộng ra bên ngoài, gần gũi nhất là so với 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu tính tỷ giá trung tâm, thì đồng tiền Việt Nam ổn định nhất, trong khi mức độ thay đổi so với USD của những đồng tiền này khá mạnh, từ 3-4,5%, cá biệt đồng Yên Nhật có thay đổi trên 16%.

Câu hỏi là, theo hướng điều hành những năm trước, mục tiêu tỷ giá USD/VND là các khoảng biến động từ 2-3%, còn nay là gì, bao nhiêu?

Câu trả lời cho đến nay vẫn là mục tiêu giữ ổn định mà không phải một biên độ, một mức thay đổi, hay một tỷ lệ mục tiêu nào cụ thể để nhà điều hành dẫn dắt tỷ giá đạt tới.

Mục tiêu đó nằm ở cơ chế và ý đồ khi tỷ giá trung tâm ra đời. Nó linh hoạt hàng ngày, phản ánh thị trường uyển chuyển hơn thay vì những lần điều chỉnh nhảy cóc. Mục tiêu lớn nhất của tỷ giá trung tâm sau 8 tháng vận hành có thể hiểu là tạo một bộ giảm chấn để tỷ giá và thị trường trong nước ổn định trước môi trường bên ngoài ngày càng nhiều biến động.

Một dẫn chứng, qua 8 tháng đã thấy rõ diễn biến tỷ giá USD/VND đã bớt lệ thuộc đi rất nhiều so với ám ảnh của đồng Nhân dân tệ; hay cả sự kiện Brexit tháng 6 vừa qua…

Áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, điều hành chính sách tỷ giá, mục tiêu cho đến nay cũng không phải là các tỷ lệ tăng hay giảm của tỷ giá USD/VND, mà ngoài sự ổn định trên, điểm tối ưu nhất của mục tiêu là tạo sự thông suốt cho cung - cầu, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường. Mở rộng nữa là tình trạng găm giữ ngoại tệ và đô la hóa đã hạn chế rõ ràng qua tiền gửi ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng giảm rất mạnh những tháng đầu năm nay, thay vì tốc độ tăng cao năm trước mà Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã từng có cảnh báo.

Bên cạnh việc định hình những mục tiêu trên của tỷ giá, thì việc mua vào được 10 tỷ USD, gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối, điều tiết nguồn vốn hỗ trợ cân đối ngân sách qua phát hành trái phiếu Chính phủ, bình ổn lãi suất… cũng là những giá trị xoay quanh, cũng như là kết quả mà Ngân hàng Nhà nước đã và đang làm.

Theo Minh Đức

Vneconomy

Ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng đến mục tiêu GDP của Việt Nam?
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, ông Donald Trump trở lại vị trí Tổng thống Mỹ vào năm tới có thể sẽ giải quyết các cuộc xung đột đang leo thang theo hướng hòa bình, làm cho chính trị thế giới ổn định hơn. Từ đó, nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ sẽ tăng trưởng tốt hơn, thu nhập người dân cao hơn khiến nhu cầu mua sắm tăng lên sẽ thúc đẩy xuất hàng hóa từ Việt Nam.