Mù mờ ngày khai thác, Cát Linh - Hà Đông vẫn phải trả nợ hơn 152 tỉ đồng
Trong văn bản báo cáo Chính phủ cuối tháng 1 về khoản nợ đến hạn của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT cho biết, theo cơ chế tài chính đã được Chính phủ chấp thuận, Bộ này có trách nhiệm bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng, cho tới khi hoàn thành và bàn giao cho UBND TP.Hà Nội.
Hà Nội nhận nợ trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án.
Hiện, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư dự án để bố trí 400 tỉ đồng trả nợ gốc phần vốn vay lại cho tới khi bàn giao dự án cho UBND TP.Hà Nội.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), hiện đã trả nợ gốc cho Trung Quốc với tổng số tiền 398,043 tỉ đồng (tương ứng 17,3 triệu USD), số vốn trả nợ gốc còn lại trong tổng mức đầu tư còn lại là 1,957 tỉ đồng.
Dự kiến phải trả nợ gốc phần vốn vay lại đến hết năm 2020 khoảng 152,709 tỉ đồng (kỳ trả nợ gần nhất là ngày 21.1).
Ban quản lý dự án đề xuất phương án giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP.Hà Nội, hoặc xem xét, điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục bố trí trả nợ, nhằm hạn chế vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nghĩa vụ bên vay theo các hiệp định đã ký.
Tuy nhiên, theo Bộ GTVT, việc gia hạn thời gian trả nợ gốc có những khó khăn nhất định về thủ tục, trong khi việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để bổ sung vốn đối ứng trả nợ gốc phần vốn vay lại chưa phù hợp với kết luận của Kiểm toán nhà nước.
Bộ GTVT cho biết, trong bối cảnh Hiệp định vay ưu đãi Chính phủ khoản vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội - Hà Đông giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (gọi tắt là Hiệp định vay bổ sung) lần 2 với số vốn vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại, việc chậm trả nợ sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, cũng như tạo ra những hệ lụy hết sức nghiêm trọng về kinh tế.
Ngày 21.1, Bộ GTVT đã có quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 để trả nợ gốc Hiệp định vay bổ sung của dự án và đang chờ ý kiến thẩm tra của Bộ Tài chính, Kho bạc nhà nước mới có thể giải ngân.
Theo Bộ GTVT, với tình hình thực hiện như hiện nay, trong khi dự án chưa được bàn giao cho TP.Hà Nội, ngoài nguồn vốn được giao để trả nợ gốc kỳ 21.1, có thể sẽ tiếp tục phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại trong các kỳ tiếp theo.
Vì vậy, để duy trì việc trả nợ đầy đủ, đúng hạn, hạn chế các vướng mắc tiếp theo, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét việc gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại đối với dự án.
Trường hợp không được Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán nhà nước để tháo gỡ về thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án; đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/