Một tàu robot đặc biệt giá 500.000 euro được kỳ vọng có thể xử lý rác thải biển tại Việt Nam
Thời gian gần đây, tại các chợ nổi thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xuất hiện một “vị khách đặc biệt”: Một chiếc thuyền robot có thể nhặt các chai nhựa, giấy gói và các loại rác khác có thể trôi dạt ra Thái Bình Dương, gây nguy cơ làm hại tới khí hậu môi trường, theo Asia Nikkei.
Con tàu điện này tham gia đội tàu thủ công tương tự từ Malaysia đến Indonesia do tổ chức phi lợi nhuận Ocean Cleanup đứng sau, được nhiều đơn vị lớn trên thế giới đầu tư, có thể kể đến như ban nhạc rock Coldplay của Anh, gã khổng lồ ngành đồ uống Coca-Cola hay nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc Kia. Ocean Cleanup cho biết họ sẽ sử dụng nhựa thu hồi được để tái sản xuất và tái chế.
Chiếc tàu robot bán tự động của Ocean Cleanup, được gọi là Interceptors, sử dụng năng lượng mặt trời và hút rác ở các tuyến đường thủy như sông Klang của Malaysia hay cống Cengkareng của Indonesia.
Con tàu được gắn một thanh phễu dài tới miệng thuyền, sẽ hút rác dưới nước và chuyển lên băng chuyền. Một máy tính trên bo mạch chủ giúp đảm bảo lượng rác được phân bổ đồng đều trên 6 thùng, với cảm biến sẽ báo tín hiệu để con tàu biết khi nào các thùng rác mới sẽ đầy.
Công nghệ cũng như mục đích của Ocean Cleanup đã giúp Interceptors bắt đầu tạo được tiếng vang. Tuy nhiên, với mức giá lên tới 500.000 euro cho mỗi chiếc tàu, liệu đây có thực sự là vũ khí hiệu quả cho cuộc chiến làm sạch các tuyến đường thủy trên thế giới?
Lonneke Holierhoek, Giám đốc khoa học và hoạt động của Ocean Cleanup, mô tả chúng là "biện pháp cuối cùng", một giải pháp tạm thời cho đến khi chất thải được cắt giảm thông qua cơ sở hạ tầng tốt hơn, tái chế và tiêu thụ ít hơn. “Chúng ta không thể là những người làm sạch các con sống hay vùng biễn một cách lâu dài”, bà Holierhoek cho biết.
Nhà đầu tư Coca-Cola và sứ mệnh thay đổi vị thế "không mong muốn"
Tuy nhiên, nhóm hành động vì môi trường Break Free From Plastic, tổ chức đếm các nhãn hiệu trên thùng rác được thu gom, cho biết trong một báo cáo năm 2021 rằng nhà tài trợ lớn nhất của Ocean Cleanup, Coca-Cola, "là công ty có mức độ gây ô nhiễm ra môi trường lớn nhất thế giới năm thứ 4 liên tiếp”. Không những vậy, nhóm này cũng chỉ trích các công ty bao gồm PepsiCo, Unilever và Nestle.
Những chiếc chai của Coca-Cola thường xuyên nằm trong số rác thải bị Interceptors hút lên. Công ty đang tài trợ cho một đội thuyền để làm sạch 15 con sông và cho biết họ đang nhắm mục tiêu đến 100% bao bì có thể tái chế vào năm 2025.
Coca-Cola chia sẻ với Asia Nikkei rằng công ty đang "suy nghĩ lại về cách chúng tôi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng", nhằm mục tiêu đưa vỏ hộp của một số sản phẩm về để tái chế hoặc có thể trả lại vào năm 2030.
Interceptors sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm tại Việt Nam vào khoảng tháng 9. Người dân địa phương cũng đề xuất những thay đổi như lót lưới cho thùng rác của con tàu để giúp việc loại bỏ rác dễ dàng hơn. Ocean Cleanup cho biết họ sẽ đưa khuyến nghị tới những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á, như Malaysia.
Các nhà bảo vệ môi trường từ lâu đã cố gắng chỉ ra tai họa của rác thải nhựa đổ ra sông và biển, với một số ý kiến cho rằng việc tiêu thụ quá mức trong những thập kỷ tới có thể khiến số lượng rác thải nhựa tại các vùng sông, biển nhiều hơn cả số lượng các loài cá.
Đối với một số công ty, họ chỉ đơn giản là làm những công việc nhằm đối phó và trốn tránh trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường. Ví dụ, ông chủ của DWS, một công ty quản lý tài sản thuộc hệ sinh thái của Deutsche Bank đã từ chức sau một cuộc truy quét của cảnh sát đối với các tuyên bố về quảng cáo xanh (greenwashing - quá trình truyền đạt một ấn tượng sai lệch hoặc cung cấp thông tin sai lệch để đánh bóng thương hiệu), tờ Financial Times đưa tin.
Ocean Cleanup cho biết các đối tác của họ không thể chỉ viết séc để quảng cáo xanh cho công ty của mình. “Chúng tôi cần đảm bảo đó không phải là một phần của trò chơi. Chúng tôi cần mọi người đóng góp thực sự, cam kết thực sự để thay đổi bản thân”, bà Holierhoek nói. Bà cũng nói rằng các công ty cần phải làm việc trực tiếp với tổ chức, chứ không đơn thuần chỉ là rót tiền đầu tư.
Bà cũng kêu gọi một "giải pháp ngược dòng." Điều này dường như mang ý nghĩa mong muốn ngành công nghiệp sản xuất ra ít sản phẩm từ nhựa hơn, thay vào đó chuyển sang các vật liệu phân hủy sinh học.
Rất nhiều người cũng thắc mắc liệu nhóm nhạc Coldplay có vai trò gì khi hỗ trợ tổ chức phát triển Interceptors. Đáp lại, bà Holierhoek cho biết, sau khi trả tiền cho một chiếc Interceptor, nhóm nhạc sẽ quảng bá sứ mệnh cuối cùng của tổ chức là loại bỏ 90% lượng rác thải nhựa trên các đại dương.