Một ngân hàng thông báo giảm lãi suất trong bối cảnh áp lực room tín dụng
Nam A Bank thông báo giảm lãi suất
Giữa cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng, một ngân hàng lại bất ngờ thông báo giảm lãi suất. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 7/9. Sự thay đổi của lãi suất một số kỳ hạn chủ yếu dao động từ 0,1%/năm đến 0,4%/năm.
Đối với gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng giảm 0,15 điểm % từ 5,6%/năm xuống 5,45%/năm, Lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên 6,5%/năm.
Lãi suất kỳ hạn 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng, 11 tháng gửi tại quầy giảm 0,3 điểm % xuống 5,6%/năm.
Tại một số kỳ hạn khác cũng có sự sụt giảm lãi suất. Tại kỳ hạn từ 18 tháng đến 23 tháng, lãi suất giảm 0,4 điểm % từ 6,7%/năm xuống 6,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 25 tháng đến 29 tháng giảm 0,2 điểm % xuống 6,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 30 tháng đến 33 tháng giảm nhẹ 0,1 điểm % xuống 6,3%/năm.
Ở chiều ngược lại, tại kỳ hạn 34-36 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,4 điểm % lên 6,3%/năm.
Đối với gửi tiết kiệm online, lãi suất gửi trực tuyến kỳ hạn 16-36 tháng giảm 0,1 điểm % xuống 7,3%/năm.
Đây là vẫn mức lãi suất cao so với các ngân hàng hiện nay. Trước đó, Ngân hàng Bản Việt cũng tăng lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng lên 7,3%/năm.
Lãi suất vẫn sẽ tăng do chênh lệch tín dụng - huy động
Ngoài Nam A Bank có sự điều chỉnh giảm lãi suất, nhiều ngân hàng gần đây điều chỉnh tăng lãi suất như Sacombank, MB, ACB, VietinBank.
VietinBank công bố triển khai chương trình ưu đãi cộng thêm lãi suất 0,5%/năm cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ một tháng đến 24 tháng trên ứng dụng VietinBank iPay. Lãi suất cao nhất của ngân hàng hiện nay là 6,1%/năm tại kỳ hạn 12 tháng
Tại ACB, tại kỳ hạn 6 tháng, lãi suất ngân hàng tăng thêm 0,1 điểm % lên mức 5,8%/năm. Với số tiền gửi từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, lãi suất đang được quy định trong khoảng 4% - 6,55/năm với kỳ hạn 1-36 tháng.
Với khoản tiền trên 500 triệu đồng, ACB cũng điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm cho lãi suất tại kỳ hạn 6 tháng và giữ nguyên mức lãi ở các kỳ hạn còn lại.
Đáng chú ý, MB đều có sự tăng trưởng ở lãi suất các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng. Tại kỳ hạn 3 tháng lãi suất tiền gửi tăng nhẹ 0,2%/năm lên 3,8%. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tăng lần lượt 0,43%/năm và 0,53%/năm lên 5,3% và 6,1% lần lượt tại hai kỳ hạn này trong tháng 9. Đáng chú ý, tại kỳ hạn 24 tháng, lãi suất tăng mạnh 0,95% từ 5,75% lên 6,8%/năm.
Tại Sacombank, lãi suât cũng tăng lên 0,2%/năm ở các kỳ hạn 5 tháng, 12 tháng và 24 tháng với lãi suất lần lượt là 5,4%/năm, 6%/năm và 6,4%/năm.
Đặc biệt, ABBank có lãi suất cao lên 8,8%/năm tại kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với tháng trước đó. Đây là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ngân hàng. Tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiền gửi cũng tăng 0,2% lên 6,4%, lãi suất tiền gửi cũng tăng 0,7%/năm lên 6,7% tại kỳ hạn 24 tháng.
Một số ngân hàng có mức lãi suất vượt mức 7%/năm như CBBank ở mức 7,5%/năm tại kỳ hạn 13-60 tháng, DongA Bank với mức lãi là 7,4%/năm tại kỳ hạn 13 tháng (tăng 0,3 điểm % so với tháng trước. SCB và KienLongbank cũng có mức lãi suất cao nhất là 7,3%/năm áp dụng với mọi khoản tiền gửi.
Theo các chuyên gia, mặt bằng chung lãi suất dự báo vẫn sẽ tăng từ nay đến cuối năm do áp lực tỷ giá đến thanh khoản và thị trường 2 và chênh lệch tín dụng - huy động tăng lên mức báo động. Chênh lệch tăng trưởng tín dụng - huy động cần được quan sát rất kỹ để tránh để xảy ra cuộc đua về lãi suất huy động.