|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp gỗ vẫn sống khỏe giữa cơn bão ngành

08:30 | 01/12/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, Gỗ An Cường (Mã: ACG) được xem là doanh nghiệp hiếm hoi khi vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan.

Số liệu xuất khẩu của ngành gỗ trong 10 tháng đầu năm vẫn cho thấy mức tăng trưởng khả quan, đạt 13,5 tỷ USD, tăng trưởng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xét riêng theo nhóm mặt hàng, thì xuất khẩu các sản phẩm gỗ trong 10 tháng qua chỉ ghi nhận mức tăng trưởng khiêm tốn 3,2%.

Tình hình lạm phát và tác động của cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine đã khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng gỗ tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU sụt giảm.

Với đặc điểm chung của hầu hết các doanh nghiệp gỗ trong nước là chú trọng thị trường xuất khẩu, dễ dàng hiểu được sự khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành đang gặp phải. Trên thực tế, diễn biến này đã phản ánh vào số liệu kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành ngay từ quý III/2022. Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình sẽ còn trầm trọng hơn trong quý IV tới đây.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, Gỗ An Cường (Mã: ACG) được xem là doanh nghiệp hiếm hoi khi vẫn tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Tính tới hết tháng 10, ACG ghi nhận doanh thu 3.497 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 498 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 42,7% và 52,3% cùng kỳ. Riêng tháng 10, doanh thu và lợi nhuận của ACG lần lượt tăng trưởng 66% và 73%. 

Kết quả kinh doanh 10 tháng năm 2022 và tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2022 của ACG.

Sự khác biệt trong chiến lược kinh doanh của ACG là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tạo ra sự ngược dòng này.

Nếu các doanh nghiệp khác đặt trọng tâm phát triển ở thị trường xuất khẩu với tỷ trọng đóng góp vào doanh thu có thể lên đến 90% thì Gỗ An Cường lại tập trung chiếm lĩnh thị trường trong nước với 55% thị phần mảng nguyên liệu gỗ công nghiệp và vật liệu trang trí tại Việt Nam (phân khúc thị trường trung và cao cấp).

ACG cũng rất linh hoạt trong việc chủ động chuyển đổi sự tập trung giữa các nhóm khách hàng lớn. Điển hình là khi nhóm khách hàng là các tập đoàn phát triển bất động sản gặp khó khăn về khả năng thanh toán, Gỗ An Cường đã triển khai chính sách bán hàng thận trọng và có chọn lọc, đồng thời đẩy mạnh hệ thống phân phối khắp cả nước để khai thác tối đa nhóm khách hàng là các đơn vị thi công thiết kế nội thất, hướng đến nhu cầu tiêu dùng của các hộ dân cư.

Với đặc tính mùa vụ của thị trường trang trí nội thất rơi vào quý IV mỗi năm, ACG dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan hơn trong những tháng sắp tới.

Showroom OneStop- Shopping- Center của Gỗ An Cường tại Hà Nội. (Ảnh: ACG)

Bích Thu