Một doanh nghiệp bất động sản vừa phát hành thành công 4.700 tỷ đồng trái phiếu
Theo công bố từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 10/3, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 4.700 tỷ đồng, với kỳ hạn 18 tháng. Lãi suất huy động là 13%/năm theo công bố của HNX.
Các thông tin về tài sản đảm bảo, công ty đứng ra thu xếp cho đơn vị phát hành,... không được HNX công bố.
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nam An được thành lập tháng 8/2016, ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Công ty này có trụ sở chính tại Tầng 2, khu Almaz Market, đường Hoa Lan, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội). Hiện ông Hoàng Quốc Thủy (sinh năm 1967) đang làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Ngoài ra, ông Thủy còn đang là đại diện pháp luật tại CTCP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Quang Thái và CTCP Tư vấn và Kinh doanh Bất động sản TCO. Trong đó, Công ty Quang Thái từng là cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup.
Tháng 12/2016, Công ty Quang Thái đã chuyển nhượng hơn 140,8 triệu cổ phiếu VIC của Vingroup sang CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam do sáp nhập doanh nghiệp, chiếm 5,34% vốn điều lệ của Vingroup lúc bấy giờ.
Đầu năm 2020, ông Hoàng Quốc Thủy cùng với 4 cổ đông khác đã chuyển quyền sở hữu tổng cộng hơn 55,6 triệu cổ phiếu VIC cho cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam. Tập đoàn Đầu tư Việt Nam chính là doanh nghiệp do ông Phạm Nhật Vượng nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu hơn 92%. Ngoài ra, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) cũng là một cổ đông khác tại Tập đoàn Đầu tư Việt Nam lúc đó.
Ông Hoàng Quốc Thủy cũng trùng tên với một trong ba cổ đông sáng lập CTCP Hàng không Vinpearl Air (dự án hãng hàng không của Vingroup nhưng đã tạm dừng). Lúc đó, ông Hoàng Quốc Thủy góp 30%, cá nhân ông Phạm Khắc Phương giữ 25% và CTCP Phát triển du lịch VinAsia góp 45% vốn.
Trở lại với lô trái phiếu 4.700 tỷ đồng của Công ty Nam An, đây là lô có giá trị lớn nhất được huy động thành công trong 9 tháng qua, trong bối cảnh việc huy động vốn qua kênh trái phiếu trầm lắng.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp, tính đến ngày công bố thông tin 31/1/2023, thị trường không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nào.
Qua tháng 2, có một đợt phát hành riêng lẻ và 2 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng. Đợt phát hành riêng lẻ duy nhất đến từ CTCP Đầu tư Bất Động Sản Sơn Kim với 500 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn 2,5 năm và lãi suất cho kỳ đầu là 13,5%/năm và thả nổi vào những kỳ sau.
Trong khi đó, CTCP Tập Đoàn Masan đã thực hiện hai đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị phát hành 1.500 tỷ đồng trong tháng 2. Các trái phiếu phát hành của CTCP Tập đoàn Masan trong 2 đợt này đều có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,5%/năm cho kỳ đầu và thả nổi vào những kỳ sau.
Trái ngược với sự nguội lạnh của hoạt động phát hành, áp lực đáo hạn TPDN năm 2023 đang nóng lên, khoảng 252.000 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Trong đó quý II và III là giai đoạn căng thẳng với gần 160.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 43% tổng giá trị đáo hạn, tương đương gần 110.000 tỷ đồng.