|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Một doanh nghiệp bảo hiểm sở hữu hơn 5.000 tỷ đồng cổ phiếu CTG, ACB và MBB

09:37 | 13/08/2024
Chia sẻ
Bảo hiểm Prudential Việt Nam đang sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu VietinBank, ACB, MB với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm nắm cổ phần tại nhiều ngân hàng

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) đã công bố thông tin ba cổ đông tổ chức sở hữu từ 1% vốn điều lệ, trong đó công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam nắm 57,6 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 1,07% vốn điều lệ.

Người liên quan của Prudential cũng sở hữu thêm 2,9 triệu cổ phiếu CTG, tương ứng 0,05% vốn. 

 Nguồn: Công bố thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% vốn của VietinBank.

Ngoài ra, Prudential Việt Nam còn thuộc danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn cổ phần tại ACB và MBB. Trong đó tại ACB, Prudential nắm hơn 69,46 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ hơn 1,55% vốn ngân hàng này. Người liên quan của công ty bảo hiểm này sở hữu 350.635 cổ phiếu ACB, tương ứng 0,008% vốn.

Nguồn: Công bố thông tin về cổ đông sở hữu trên 1% vốn của ACB

Danh sách được MB công bố cho thấy chỉ có hai cổ đông nắm trên 1% vốn (ngoài ra MB còn có các cổ đông lớn như Viettel, SCIC, Trực thăng Việt Nam, Tân Cảng Sài Gòn). Trong đó, đến ngày 15/7, Prudential sở hữu gần 65,72 triệu cổ phiếu, tương đương 1,24% vốn điều lệ ngân hàng và người liên quan của công ty bảo hiểm này cũng sở hữu hơn 1,44 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng 0,02% vốn.

Chốt phiên ngày 12/8, giá cổ phiếu CTG được giao dịch với mức giá 31.700 đồng/cp; giá cổ phiếu ACB là 23.800 đồng/cp; giá cổ phiếu MBB là giá 23.700 đồng/cp.

Từ đó có thể ước tính, Bảo hiểm Prudential Việt Nam sở hữu hơn 1.825 tỉ đồng cổ phiếu CTG, hơn 1.653 tỉ đồng cổ phiếu ACB và hơn 1.557 tỉ đồng cổ phiếu MBB. Như vậy Bảo hiểm Prudential sẽ sở hữu hơn 5.000 tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng VietinBank, MB và ACB theo giá trị quy đổi thị giá chốt phiên 12/8.

Ngoài Prudential, một ông lớn trong ngành bảo hiểm là Bảo Việt cũng đầu tư mạnh vào hai mã ACB và CTG. Tại ngày 30/6, giá gốc khoản đầu tư vào ACB là 564 tỷ đồng, còn CTG là 391 tỷ đồng.

Tình hình hoạt động kinh doanh của Bảo hiểm Prudential 

Theo báo cáo tài chính năm 2023, Prudential Việt Nam ghi nhận lợi nhuận trước thuế là 3.807 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.114 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty ghi nhận lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm gần 90% khi doanh thu phí bảo hiểm giảm từ 30.543 tỷ đồng xuống 26.579 tỷ đồng và chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng, lên 25.310 tỷ đồng. Chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng lên chủ yếu do chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm. 

Tuy nhiên, lợi nhuận của Prudential không tụt quá sâu nhờ khoản lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tài chính đột biến, tăng 185,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo thuyết minh, lãi thuần từ hoạt động tài chính vượt trội trong năm 2024 đến từ lãi trái phiếu, tiền gửi, cổ tức tăng cũng như lãi chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản đầu tư của quỹ liên kết đơn vị.

 

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Prudential đạt gần 176.700 tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm. Trong đó, công ty bỏ 33.500 tỷ đồng vào các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và 117.500 tỷ đồng cho đầu tư tài chính dài hạn, tăng lần lượt 4,8% và 7,9% so với đầu năm.

Prudential là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư mạnh vào cổ phiếu. Gần một nửa các khoản đầu tư ngắn hạn của công ty bảo hiểm này (14.900 tỷ đồng) là chứng khoán niêm yết và chứng khoán giao dịch trên hệ thống UPCoM, phần còn lại dưới dạng tiền gửi tại ngân hàng. 

Tính đến cuối năm 2023, ông lớn bảo hiểm này rót hơn 70.000 tỷ vào trái phiếu Chính phủ và do Chính phủ bảo lãnh, hơn 28.000 tỷ vào tiền gửi và 17.000 tỷ vào trái phiếu doanh nghiệp.

Để so sánh, vào cuối năm 2023, Manulife đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Bảo Việt đầu tư khoảng 2.900 tỷ đồng vào cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết. 

Minh Nguyệt

Trung Quốc đánh mất lợi thế chi phí lao động giá rẻ nhưng Việt Nam không phải quốc gia duy nhất hưởng lợi
Mức lương trung bình trong ngành sản xuất của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/4 Trung Quốc. Tuy đây là lợi thế đáng chú ý của Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác cũng có ưu điểm tương tự.