Một công ty bảo hiểm nhân thọ báo lãi giảm gần 79% trong quý II
Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Generali Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 với lợi nhuận trước thuế quý II đạt 78,6 tỷ đồng, giảm gần 79% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế đạt 116,7 tỷ đồng, giảm 74,1%.
Trong quý II, chỉ có doanh thu hoạt động tài chính của Generali tăng nhẹ thêm 5,3%, còn lại doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm hay thu nhập khác đều đi xuống.
Cụ thể, doanh thu phí bảo hiểm gốc của công ty giảm 16% so với cùng kỳ năm trước với 884 tỷ đồng. Doanh thu phí nhận tái bảo hiểm đạt 37,3 tỷ đồng, tăng 61%.
Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Generali giảm 14,3% so với cùng kỳ 2023, ở mức 921,3 tỷ đồng. Hoạt động đem lại doanh thu cao nhất là bảo hiểm nhân thọ (bảo hiểm truyền thống, bảo hiểm liên kết đầu tư), kế đến là bảo hiểm sức khoẻ, kinh doanh tái bảo hiểm,...
Trong khi đó, chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm lại tăng 17% so với cùng kỳ lên 663,9 tỷ đồng do tăng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm gốc. Do đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Generali giảm 49,2% xuống 257,4 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 5,3% so với cùng kỳ lên hơn 226,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng tăng từ 4,9 tỷ đồng lên 13,2 tỷ đồng. Do vậy, lãi thuần từ hoạt động tài chính của General nhích thêm 1,5% so với cùng kỳ, đạt 213,1 tỷ đồng.
Hoạt động khác đóng góp không đáng kể vào kết quả kinh doanh của Generali. Trong kỳ, chi phí bán hàng tăng 27,7%, đạt gần 279 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 10,3%, ở mức 113, 2 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Generali đạt hơn 17.573 tỷ đồng, tăng 5,2 % so với đầu năm. Trong đó, quy mô khoản đầu tư tài chính ngắn hạn cao gấp đôi so với đầu năm, ở mức 5.629 tỷ đồng. Các khoản đầu tư dài hạn vẫn chiếm phần lớn tỷ trọng trong tổng tài sản với quy mô 7.654 tỷ đồng, giảm 19,9% so với đầu năm.
Trong đầu tư dài hạn, Generali chủ yếu đổ tiền vào trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo. Số dư đầu tư tiền gửi dài hạn của Generali đã giảm từ 2.323 tỷ đồng vào đầu năm nay xuống 542 tỷ đồng vào cuối quý II.
Ngoài ra, công ty đầu tư thêm 120 tỷ đồng vào chứng chỉ tiền gửi và 230 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp có đảm bảo.
Với đầu tư ngắn hạn, Generali đã tăng các khoản đầu tư thuộc các quỹ khác quỹ liên kết đơn vị và quỹ liên kết chung từ 1.970 tỷ đồng vào đầu năm 2024 lên 4.936 tỷ đồng vào cuối quý II. Cụ thể, khoản mục tiền gửi có kỳ hạn tăng từ 1.767 tỷ đồng lên 4.532 tỷ đồng.
Trong khi đó, quy mô của các quỹ liên kết đơn vị không thay đổi nhiều so với đầu năm. Tuy nhiên, danh mục đầu tư đã có sự chuyển dịch từ trái phiếu doanh nghiệp không có đảm bảo sang cổ phiếu niêm yết. Danh mục đầu tư cổ phiếu của Generali tính đến cuối tháng 6 có quy mô là 446,7 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của Generali ở mức 4.249 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ là 7.203 tỷ đồng. Công ty vẫn đang lỗ lũy kế hơn 3.000 tỷ đồng.
Vừa qua, Thanh tra Bộ Tài chính đã kiến nghị Generali Việt Nam điều chỉnh hạch toán tăng doanh thu (khoảng 540 triệu đồng) trong khi giảm 235 tỷ đồng chi phí, phần lớn là các khoản chi hỗ trợ bán hàng đối với hai ngân hàng đối tác.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ hủy bỏ hợp đồng qua kênh bancas trong thời hạn 21 ngày của Generali Việt Nam là 6,9% (trong đó của Eximbank là 3% và OCB là 10,5%). Tỷ lệ huỷ bỏ sau thời gian cân nhắc là 52,5% (trong đó Eximbank là 55,7% và OCB là 50,2%).