|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một cổ phiếu tăng trần 6 phiên liên tiếp bất chấp kết quả kinh doanh không mấy sáng cửa

07:35 | 11/08/2023
Chia sẻ
Kết phiên 10/8, giá cổ phiếu PIT của Công ty Xuất Nhập khẩu Petrolimex tiếp tục tăng hết biên độ lên 7.920 đồng/cp, thanh khoản khớp lệnh cũng tăng mạnh lên gần 166.000 đơn vị.

Sau giai đoạn đi ngang theo kênh giá hướng lên từ đầu tháng 11/2022, cổ phiếu PIT của CTCP Xuất Nhập khẩu Petrolimex (Pitco) tăng mạnh khi ghi nhận chuỗi 6 phiên tăng trần liên tiếp (3/8 – 10/8) lên mức đỉnh 14 tháng, tăng gần 49,5% giá trị sau một tuần giao dịch.

Cùng với giá tăng, thanh khoản cổ phiếu PIT cũng được cải thiện lên vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên (riêng phiên 10/8 tăng mạnh lên gần 166.000 đơn vị được khớp lệnh), trong khi trước đó phần lớn ghi nhận chưa đến 10.000 đơn vị mỗi phiên.

Lần gần nhất PIT ghi nhận chuỗi tăng trần liên tiếp là cuối tháng 10 năm ngoái, cụ thể sau khi giảm mạnh từ đỉnh lịch sử 13.500 đồng/cp (phiên 10/3/2022) xuống còn 3.460 đồng/cp (phiên 26/10/2022), cổ phiếu PIT đã bất ngờ quay đầu tăng trần trong 6 phiên 27/10/2022 - 3/11/2022, giá PIT theo đó tăng trở lại hơn 47% giá trị sau một tuần giao dịch lên mức 5.100 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu PIT theo ngày từ tháng 10/2022. (Nguồn: VNDirect).

Ai đang sở hữu Pitco?

Theo Cáo bạch, CTCP Xuất Nhập khẩu Petrolimex tiền thân là Công ty Xuất Nhập khẩu Petrolimex được thành lập từ năm 1999 theo quyết định của Bộ Thương mại. Năm 2004, công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và cổ đông nhà nước nắm giữ 80% vốn điều lệ công ty.

Năm 2006, công ty tổ chức thành công đợt đấu giá bán bớt phần vốn nhà nước, sau thời điểm này cổ đông nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ công ty. Ngày 24/1/2008, cổ phiếu PIT chính thức được niêm yết trên HOSE.

Lĩnh vực kinh doanh của công ty là kinh doanh thương mại, dịch vụ và gia công, chế biến nông sản. Với các ngành hàng như gia vị hạt tiêu (ngành hàng chủ lực trong hoạt động xuất khẩu của Pitco); mặt hàng gia vị cao cấp (chiết rót); mặt hàng cao su; mặt hàng xăng dầu; ngành hàng sơn Petrolimex.

Theo báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023, cơ cấu cổ đông Pitco tại ngày 30/6 gồm Công ty TNHH MTV – Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC) nắm giữ hơn 8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 52,67%; Ông Huỳnh Đức Thông, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc công ty nắm giữ 1,06 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,97%; Bà Lê Thúy Đào nắm giữ 383.084 cổ phiếu, tỷ lệ 2,52%;...

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCQT).

Tình hình kinh doanh Pitco ra sao?

Trái ngược với giá cổ phiếu tăng hiện nay, tình hình kinh doanh của Pitco lại không mấy tích cực. Doanh thu Pitco đã giảm mạnh qua các năm, cùng với đó công ty báo lỗ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm và mới ghi nhận lãi trở lại trong một năm rưỡi vừa qua.

Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, Pitco ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt 170,5 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế gần 115 triệu đồng, giảm 86%. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần công ty đạt 305,3 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ và lãi sau thuế gần 162 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 2,7 tỷ đồng.

Cuối tháng 3 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) có thông báo về việc giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu PIT do lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 3,17 tỷ đồng, lỗ sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2022 là 21,2 tỷ đồng căn cứ Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ BCTC hợp nhất).

Năm 2023, Pitco đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 806 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 2% so với năm 2022. Dù vậy, lãi trước thuế ước đạt 3,4 tỷ đồng, giảm gần 11%. Ngoài ra, công ty tiếp tục không chia cổ tức cho cổ đông.

Pitco dự báo chi phí tài chính năm nay sẽ tăng cao, mà nguồn vốn kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay, trong khi giá bán xuất khẩu không tăng được do thị trường cạnh tranh gay gắt, vì vậy biên lợi nhuận dự báo sẽ giảm mạnh. Dự báo giá tiêu xuất khẩu khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, đây là ngành hàng chiếm tỷ trọng doanh thu lớn tại Pitco. Ngành hàng xăng dầu vẫn gặp nhiều khó khăn do mức chiết khấu quá thấp của tập đoàn và các chính sách vĩ mô của Nhà nước chi phối.

Diệu Nhi