|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một cổ phiếu 'họ P' tăng giá gấp 3 lần

17:01 | 10/11/2020
Chia sẻ
Kể từ giữa tháng 8 năm nay, trái xu hướng lình xình và đi xuống của các cổ phiếu trong nhóm dầu khí, một có phiếu “họ P” lại giao dịch tích cực và tăng giá gấp gần 3 lần.

Cổ phiếu tăng giá hơn 200% sau 11 phiên tăng trần

Qua quan sát, sau hơn một năm giao dịch lình xình dưới mốc 1.000 đồng/cp, cổ phiếu PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô liên tục tăng kịch trần kể từ phiên 28/8. Sau chuỗi 11 phiên tăng trần, giá cổ phiếu PFL tăng từ 800 đồng/cp lên mốc 2.100 đồng/cp.

Sau thời gian giao dịch lình xình quanh vùng 2.000 – 2.200 đồng/cp, cổ phiếu PFL lại tiếp tục tăng trong thời gian gần đây. Đóng cửa phiên giao dịch 9/11, giá cổ phiếu này dừng ở 2.600 đồng, tăng khoảng 3 lần so với đáy. Đi cùng với đà tăng giá là sự cải thiện về thanh khoản.

Theo ghi nhận, vùng giá giao dịch hiện tại của cổ phiếu PFL là cao nhất kể từ tháng 2/2015. Vậy điều gì làm lên con sóng tăng giá của mã này trong giai đoạn gần đây?

Về lịch sử hình thành, Dầu khí Đông Đô tiền thân là CTCP Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam, thành lập vào tháng 6/2007 với vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Tại ngày 16/7/2010, cổ đông của công ty gồm Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (Mã: PVX) (sở hữu 30,5%), CTCP Đầu tư Song Kim (13%).

Trong năm 2011, PVX liên tục gia tăng tỉ lệ sở hữu tại công ty lên mức cao nhất 36,05%. Sau đó, cổ đông lớn này bán ra 579.500 cp trong năm 2014, giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 34,87% vốn điều lệ. CTCP Đầu tư Song Kim cũng thoái bớt vốn tại công, hiện chỉ còn sở hữu 5% vốn điều lệ.

Giá cổ phiếu tăng, công ty vẫn chìm đắm trong chuỗi năm thua lỗ

Trong quá trình hoạt động, tên tuổi của Dầu khí Đông Đô gắn liền với hàng loạt dự án BĐS góp vốn thực hiện như KĐT Dầu khí Đức Giang, Dolphin Plaza, KĐT Sinh thái Cửu Long, CC CT5E Xuân Phương. Mặc dù vậy, kết quả kinh doanh của công ty lại không mấy tươi sáng.

Điểm nhấn trong 10 năm qua của Dầu khí Đông Đô là việc công ty báo lãi ròng 240 tỉ đồng năm 2010. Kết quả đột biến này đến từ việc chuyển nhượng phần vốn góp ở Dự án khu chung cư cao cấp dịch vụ hỗ hợp – khu đô thị Nam An Khánh Hà Nội với giá trị 207 tỉ đồng.

Nhờ thương vụ chuyển nhượng này, Dầu khí Đông Đô lãi sau thuế hơn 143,6 tỉ đồng, trong đó công ty được hưởng 50%.

Năm 2011, công ty ghi nhận doanh thu cao nhất lịch sử, đạt 353,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãi sau thuế của công ty giảm xuống còn 29,7 tỉ đồng.

Cổ phiếu công ty liên quan Địa ốc Phú Long tăng giá 200%, tài sản có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Nguồn: HL tổng hợp

Sau hai năm có lãi, Dầu khí Đông Đô chìm đắm vào chuỗi năm thua lỗ kể từ năm 2012. Đến năm 2016, công ty lãi sau thuế gần 1 tỉ đồng nhờ thu nhập khác đột biến 18,3 tỉ đồng, trong đó thu nhập từ chuyển nhượng dự án KĐT Dầu khí Đức Giang hơn 12 tỉ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, kết quả kinh doanh của công ty có sự khởi sắc những vẫn đang thua lỗ. Cụ thể, doanh thu của Dầu khí Đông Đô là 33,1 tỉ đồng, tăng 26,8% so với cùng kì năm ngoái. Lỗ sau thuế của công ty là 10,8 tỉ đồng, trong khi cùng kì lỗ 20,3 tỉ đồng.

Tính đến cuối quí III/2020, lỗ lũy kế của Dầu khí Đông Đô là 242,4 tỉ đồng, gần bằng nửa vốn điều lệ của công ty. Tổng tài sản của công ty giảm 33 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm, còn 472 tỉ đồng.

Dầu khí Đông Đô đang loay hoay tìm chủ cho Dự án Xuân Phương

Về cơ cấu tài sản của công ty, tính đến ngày 30/9, Dầu khí Đông Đô đang đầu tư góp vốn 136,5 tỉ đồng vào các đơn vị khác. Trong đó, phần vốn góp đầu tư vào dự án Khu đô thị Nam An Khánh là 51 tỉ đồng và vốn góp hợp tác kinh doanh dự án Dolphin Plaza là 37,1 tỉ đồng.

Ngoài ra, công ty còn đang góp vốn vào CTCP Dầu khí Bình Sơn (22,1 tỉ đồng) và CTCP Khách sạn Lam Kinh (20 tỉ đồng), tương ứng tỉ lệ sở hữu tại hai công ty này là 6% là 10,5%.

Cổ phiếu công ty liên quan Địa ốc Phú Long tăng giá 200%, tài sản có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC quí III/2020 của Dầu khí Đông Đô

Một tài sản có giá trị nhất của Dầu khí Đông Đô là Dự án Xuân Phương. Tính đến cuối quí III năm nay, giá trị xây dựng dở dang của dự án Xuân Phương là 171,6 tỉ đồng.

Theo Nghị quyết HĐQT của công ty vào cuối tháng 6 năm nay, đại hội đồng cổ đông thông qua tờ trình về việc xin phê duyệt chủ trương chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại lô CT5E Khu đô thị mới Xuân Phương.

Tuy nhiên, đầu tháng 9 vừa qua, cuộc đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Lô CT5E, Khu đô thị mới Xuân Phương, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội của Dầu khí Đông Đô đã không thành công. Lí do là không có nhà đầu tư nào đăng kí và nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá. 

Theo giới thiệu, Lô CT5E Khu đô thị mới Xuân Phương có diện tích 3.458,5 m2. Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Lô CT5E được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 154,4 tỉ đồng. 

Đây đã là lần thứ hai Dầu khí Đông Đô đưa ra đấu giá tài sản này. Như vậy, công cuộc tìm chủ cho dự án tại Xuân Phương của Dầu khí Đông Đô còn khá nan giải.

Hoàng Linh