|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một cổ phiếu công ty cà phê tăng gần 300% sau chuỗi 9 phiên tăng trần

17:15 | 02/03/2023
Chia sẻ
Sau khoảng hơn hai tháng lình xình, cổ phiếu CFV của Công ty Cổ phần (CTCP) Cà phê Thắng Lợi đã có chuỗi tăng trần 9 phiên (20/2 - 2/3), đẩy giá tăng gấp 4 lần từ 8.600 đồng/cp lên 33.800 đồng/cp. Cùng với xu hướng tăng giá, thanh khoản cũng tăng từ vài trăm đơn vị lên 2.000 – 5.300 đơn vị mỗi phiên.

Thị giá CFV từng tăng 21 lần trong một tháng sau đó giảm sâu

Ngược thời gian, trong năm 2022, cổ phiếu Cà phê Thắng Lợi cũng từng tăng gấp 21 lần sau một tháng giao dịch, cụ thể từ 4.300 đồng/cp lên 91.300 đồng/cp trong khoảng thời gian 15/8/2022 - 16/9/2022. Tuy nhiên, thanh khoản giai đọạn này phần lớn là vài trăm đơn vị mỗi phiên.

Trước đà tăng bất thường này, trong báo cáo thông tin tăng trần, Cà phê Thắng Lợi cho rằng việc cổ phiếu của công ty liên tục tăng trần với khối lượng giao dịch thấp như vậy là rất bất thường, trong đó tất cả các phiên tăng trần đều chỉ có một lệnh đặt mua và bán giá trần trong phiên. Công ty nghi ngờ có một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân.

Đồng thời, CFV khẳng định công ty, cá nhân ban lãnh đạo và những người liên quan không có bất kỳ tác động nào liên quan để đẩy giá cổ phiếu tăng cao, và cũng không giao dịch cổ phiếu CFV trên thị trường chứng khoán.

Sau đó, cổ phiếu CFV đã giảm sâu và lình xình quanh vùng giá 10.000 - 20.000 đồng/cp. Đến những phiên gần đây, cổ phiếu này mới bắt đầu có nhịp tăng trở lại.

Bảo quản cà thành phẩm tại Thắng Lợi Coffee. (Nguồn: CFV).

Theo tìm hiểu, tiền thân CTCP Cà phê Thắng Lợi là Nông trường Cà phê Thắng Lợi được thành lập ngày 1/3/1977 và được công bố ra mắt ngày 20/4/1977 trên cơ sở tiếp thu 317 ha cà phê của một số đồn điền tư nhân để lại.

Năm 1992, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đổi tên thành Công ty Cà phê Thắng Lợi. Năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk ra quyết định về việc phê duyệt phương án chuyển đổi Công ty Cà phê Thắng Lợi thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cà phê Thắng Lợi.

Cuối tháng 3/2019, công ty tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với tổng số cổ phần chào bán thành công là gần 6,3 triệu cổ phần và giá đấu thành công bình quân là 21.300 đồng/cp.

Đến ngày 9/10/2019, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Cà phê Thắng Lợi chính thức chuyển đổi thành CTCP Cà phê Thắng Lợi với vốn điều lệ là 126,5 tỷ đồng.

Về lĩnh vực kinh doanh chính, CTCP Cà phê Thắng Lợi nằm trong vùng chuyên canh sản xuất cà phê xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk, là một doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa chế biến và trực tiếp kinh doanh xuất khẩu cà phê chất lượng cao ra thị trường thế giới.

Cơ cấu cổ đông của CFV

Cơ cấu cổ đông của CFV tại ngày 9/10/2019, công ty cà phê này không có cổ đông nước ngoài và có 202 cổ đông trong nước, trong đó 1 cổ đông tổ chức nắm giữ 4,554 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 36%) và 201 cổ đông cá nhân nắm giữ 8,096 triệu cổ phiếu còn lại (tỷ lệ 64%).

Cơ cấu cổ đông CFV tại ngày 9/10/2019. (Nguồn: CFV).

Về cổ đông lớn nắm giữ từ trên 5% vốn cổ phần của công ty, tại ngày 9/10/2019, CFV có hai cổ đông lớn là UBND tỉnh Đắk Lắk (nắm giữ hơn 4,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 36%) và bà Phạm Thị Linh, vợ ông Đỗ Hoàng Phúc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty (nắm giữ gần 7,8 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 61,36%).

Như vậy, hai cổ đông lớn này sở hữu tổng cộng hơn 12,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 97% vốn cổ phần của công ty.

 Cơ cấu cổ đông CFV tại ngày 9/10/2019. (Nguồn: CFV).

Lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm 80%

Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2022, doanh thu của Cà phê Thắng Lợi đạt 63,6 tỷ đồng, tăng 178% so với mức thực hiện cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng được cải thiện từ âm 3,5 tỷ đồng trong quý trước lên hơn 506 triệu đồng.

Dù vậy, tính chung cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp cà phê này đạt 1,2 tỷ đồng, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dòng tiền kinh doanh của công ty cũng gặp phải vấn đề khi âm gần 18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận con số dương 40,4 tỷ đồng.

Diệu Nhi

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.