Mộc Châu, Đà Lạt 'cháy' phòng và nhiều điểm đến quá tải trong dịp Tết
Theo ghi nhận của nhiều doanh nghiệp lữ hành và thống kê từ các Sở Du lịch địa phương, lượng khách du lịch trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay tăng cao hơn so với năm 2018. Transviet, Vietrantour và Saigontourist đồng loạt xác nhận cao điểm bắt đầu từ ngày mùng 2 Tết (ngày 6/2) đến những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc công ty du lịch Transviet, thông tin: "Xu hướng chọn đi du lịch trong dịp Tết những năm gần đây đang tăng lên. Đối với điểm đến nước ngoài, khách thường mua tour trong khi đối với điểm đến trong nước, khách thường tự túc".
Chiều 5/2 (mùng 1 Tết) nhiều tuyến phố ở Hà Nội ùn tắc do mọi người đổ ra đường du xuân và chúc Tết.
Tại miền Bắc, thời tiết nắng ấm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển, du xuân của các gia đình và nhóm bạn. Những điểm du lịch được nhiều người ưa chuộng phải kể đến như Sa Pa (Lào Cai), Hà Nội, Mộc Châu (Sơn La), Tam Đảo (Vĩnh Phúc).
Tại Sa Pa, lượng khách tăng 17% so với dịp Tết Nguyên đán năm 2018. Những nơi như đỉnh Fansipan, khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, khu du lịch Cát Cát hoạt động hết công suất.
Ở Hà Nội, Sở Du lịch thành phố Hà Nội cho biết lượng khách đến thủ đô dịp Tết Nguyên đán 2019 tăng khoảng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 2-6/2, con số ghi nhận đạt 272.788. Những điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay đền Ngọc Sơn, Hoàng thành Thăng Long, phố đi bộ hay bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được đông đảo du khách ghé thăm.
Tại Quảng Ninh, sở Du lịch địa phương cũng ghi nhận lượng khách đến tỉnh tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đa phần du khách lựa chọn những điểm du lịch tâm linh như đền Cửa Ông, chùa Yên Tử hay chùa Ba Vàng.
Trong khi đó, nhiều du khách phàn nàn về tình trạng cháy phòng ở Mộc Châu ngay từ chiều mùng 3 Tết (ngày 7/2). Hầu hết khách sạn, nhà nghỉ, đặc biệt là homestay tại cao nguyên chè Mộc Châu đều kín phòng.
Quần thể chùa Tam Chúc (Hà Nam) dù chưa hoàn thiện xây dựng nhưng cũng đã trở thành điểm hút đông đảo du khách ngay những ngày đầu xuân.
Bất chấp những ngổn ngang, trơn trượt xung quanh công trường chùa Tam Chúc (Hà Nam), nhiều người dân vẫn kéo nhau đến du xuân, thăm viếng, sáng mùng 5 Tết. Ảnh: Hoàng Hà.
Tại miền Trung, Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa) và Huế vẫn là những điểm thu hút du khách nhiều nhất.
Theo thông tin từ phía các doanh nghiệp lữ hành, năm nay, phần đông du khách lựa chọn tuyến đường Tuy Hòa (Phú Yên) - Quy Nhơn (Bình Định) làm điểm đến trong dịp Tết Nguyên đán. Một số doanh nghiệp như FLC thông báo tình trạng hết phòng trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Riêng Đà Nẵng, lượng khách tham quan tăng cao, đạt gần 330.000 người, tăng 10,7% so với năm ngoái. Đại diện Saigontourist cho rằng nguyên nhân một phần do cầu Vàng, điểm du lịch mới nổi tại địa phương.
Đối với Bình Thuận, sở Du lịch địa phương thông báo lượng khách từ ngày 2/2 đến ngày 10/2 đạt 110.000 lượt, tăng 22% so với Tết năm ngoái. Trong khi đó, lượng khách đến Phú Yên tăng 14%. Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh là điểm đến phổ biến nhất.
Mùng 2 Tết, mặc dù trời khá nóng, các điểm vui chơi như đường hoa Nguyễn Huệ, hội hoa xuân Tao Đàn thu hút rất đông người dân Sài Gòn đổ về thưởng lãm, du xuân. Ảnh: Lê Quân.
Tại miền Nam, những vùng biển ấm như Vũng Tàu, Phan Thiết và Phú Quốc được nhiều người ưa thích. Đặc biệt, tại Vũng Tàu, tình trạng ùn, tắc giao thông trên quốc lộ 51 dài hàng km xảy ra vào ngày mùng 4 Tết (ngày 8/2) do lượng người dân đổ về thành phố này tăng đột biến.
Trong khi đó, tại Đà Lạt, tình trạng quá tải liên tục diễn ra trong dịp Tết với hơn 70.000 lượt khách du lịch. Các tuyến đường luôn trong tình trạng ách tắc. Nhiều du khách phải dựng lều, cắm trại ở hồ Xuân Hương do không thuê được phòng nghỉ.
Về giá cả dịch vụ thị trường trong nước vào dịp Tết, các doanh nghiệp lữ hành đồng loạt thông báo tăng khoảng 10-20% so với ngày thường. Trong đó, chủ yếu tăng mạnh về giá ăn uống và di chuyển.