|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mobile Money trước thách thức phòng ngừa rủi ro

19:47 | 15/08/2020
Chia sẻ
Trong xu thế phát triển chung của dịch vụ thanh toán điện tử, cũng như trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với nhiều nguồn lây lan khác nhau, tại Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư ban hành cuối tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin Truyền thông được Thủ tướng giao nhiêm vụ chính xây dựng Dự thảo Quyết định (dự thảo quyết định) về việc thí điểm Mobile Money và tổ chức triển khai.

Theo dự thảo quyết định, việc triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ khác có giá trị nhỏ sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn, vùng sâu, miền núi, hải đảo tại Việt Nam. 

Việc triển khai thí điểm sẽ mở ra cơ hội cho 90 triệu dân sử dụng điện thoại có thể khai thác những tính năng, tiện ích của dịch vụ này một cách thuận lợi và hợp pháp. Tuy nhiên, do đây là phương thức thanh toán khá mới mẻ ở Việt Nam dựa trên nền tảng số, nên để Mobile Money vận hành đúng mục đích, hạn chế rủi ro về bảo mật, gian lận, các giải pháp về quản lý cũng đang được cơ quan quản lý xem xét.

* Cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng

Theo Hiệp hội Di động toàn cầu, Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động, chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua điện thoại di động… và những dịch vụ tương tự.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, dịch vụ Mobile Money được triển khai sẽ giúp nhà mạng có thể đưa dịch vụ thanh toán điện tử mau chóng đến 100% người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tới 0,5%. Hiện nay, đã có 90 quốc gia trên thế giới phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động.

Số lượng người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người dùng, chiếm 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm, riêng châu Á tăng trưởng 31%. Tại một số nước, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money trên 50%.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.

Theo đó, đối tượng tham gia cung ứng dịch vụ này bao gồm doanh nghiệp viễn thông đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử. Về đối tượng khách hàng là cá nhân có thông tin chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu trùng với với thông tin đăng ký SIM thuê bao di động và SIM thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt, sử dụng liên tục từ 6 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang lấy ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó cho phép người dùng Mobile Money không phải liên kết qua tài khoản ngân hàng mà có thể nạp tiền rút tiền mặt trực tiếp tại các cửa hàng viễn thông của những nhà mạng được chọn thí điểm.

Và hình thức Mobile Money sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone)… tham gia vào thị trường thanh toán.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu Mobile Money được triển khai sẽ góp phần đưa dịch vụ thanh toán điện tử sớm đến toàn bộ người dân, góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến hiện nay.

Hiện số người có điện thoại di động ở Việt Nam là 90% trong khi chỉ có 50% số người ở Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Hơn 90% giao dịch giá trị nhỏ dưới 100.000 đồng hiện vẫn dùng tiền mặt, đây chính là tương lai cho Mobile Money, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nơi ít sử dụng máy POS, ATM.

Mobile Money trước thách thức phòng ngừa rủi ro - Ảnh 1.

90% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động. Ảnh: Thanh Hoa.

Các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, MobiFone, VNPT cho biết đã sẵn sàng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết và có thể cung ứng ngay dịch vụ Mobile Money nếu được cấp phép.

Theo ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội), hiện Viettel đã chuẩn bị mọi nguồn lực như hạ tầng công nghệ, mạng lưới kênh, nguồn nhân lực… để sẵn sàng triển khai Mobile Money ngay khi được cấp phép. 

70 triệu khách hàng viễn thông của Viettel, tương đương gần 70% dân số Việt Nam sẽ có cơ hội sử dụng ngay những tính năng, tiện ích của dịch vụ này. Hơn 200.000 điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa của Viettel có thể đảm bảo ở đâu có sóng viễn thông, người dùng ở đó có thể sử dụng Mobile Money.

Ngân hàng Nhà nước đánh giá, mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn. Đồng thời, ứng dụng này sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Mobile Money được thực hiện với cơ chế khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ sẽ trực tiếp nộp tiền mặt vào một trong ba hãng viễn thông đã được Chính phủ chấp thuận cho triển khai dịch vụ Mobile Money là Viettel, MobiFone, VNPT, khi nhà mạng nhận tiền của khách hàng sẽ mở 1 tài khoản cho khách hàng. Số tiền mà khách hàng nộp vào tài khoản đó sẽ được dùng để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ mà khách hàng đã sử dụng.

Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.

Bà Lê Thị Thùy Vân, Viện Chiến lược chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc thí điểm Mobile Money là cách để giúp Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số, các dịch vụ thương mại điện tử và tài chính công nghệ (Fintech). Đồng thời, triển khai Mobile Money hỗ trợ phát triển mục tiêu tài chính toàn diện của Chính phủ bởi vì là tất cả những người dân ở nông thôn hay các địa bàn vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận Mobile Money qua mạng viễn thông.

* Thách thức đặt ra với cơ quan quản lý

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lo ngại trong việc đảm bảo an toàn giao dịch, bảo mật thông tin, tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là việc quản lý dòng tiền khi triển khai dịch vụ này.

Tính toán cho thấy, cả nước có trên 125 triệu thuê bao di động, nếu 30% số thuê bao này sử dụng dịch vụ Mobile Money và chi tiêu 10 triệu đồng/tháng, thì dòng tiền chảy qua Mobile Money có thể lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng/tháng. Còn nếu mỗi chủ tài khoản chỉ chi tiêu 100.000 đồng/tháng, con số này cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vậy ai sẽ quản lý số tiền này?

Mobile Money trước thách thức phòng ngừa rủi ro - Ảnh 2.

Cả nước có 125 triệu thuê bao di động. Ảnh: ICT News

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra rằng, quản lý dòng tiền là vấn đề trọng tâm trong triển khai Mobile Money. Vấn đề đặt ra là làm sao để các cơ quan quản lý, các hãng viễn thông có thể quản lý được dòng tiền đó theo đúng mục đích phục vụ đời sống nhân dân, tránh được tiêu cực như rửa tiền, đánh bạc, tránh nguy cơ các hãng viễn thông đem tiền đó đi đầu tư vào các hoạt động rủi ro và vấn đề về bảo mật tài khoản.

Bên cạnh đó có thể xảy ra nguy cơ rửa tiền, lưu thông tiền phạm pháp khi việc định danh tài khoản Mobile Money chỉ cần thông qua tài khoản viễn thông mà không cần phải liên kết với tài khoản ngân hàng. 

Vì thế, rủi ro có thể đến từ vấn đề kỹ thuật công nghệ, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin chưa đáp ứng được thật tốt các điều kiện an toàn, bảo mật, gây lộ thông tin khách hàng, mất tiền trên tài khoản Mobile Money của khách hàng…

Theo bà Lê Thị Thùy Vân, phải quản lý được đại lý bán thẻ, bởi ví điện tử có thể chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng nhưng với dịch vụ Mobile Money cần phải xem xét hạn mức đối với đại lý ra sao để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như nhà nước có thể quản lý được.

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc mở tài khoản, lựa chọn nộp tiền, có thực hiện mua bán, thanh toán bằng Mobile Money hay không là lựa chọn của khách hàng. Nên sẽ không có chuyện xuất hiện hàng chục nghìn hay hàng triệu tài khoản Mobile Money do được mở tài khoản tự động. 

Hơn nữa, chỉ những tài khoản di động đã được định danh mới có thể sử dụng để mở tài khoản tiền di động Mobile Money, tức là việc dùng tài khoản viễn thông để thanh toán. Do đó, không có chuyện SIM rác được phép mở tài khoản Mobile Money.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, một trong những trăn trở nếu Việt Nam triển khai Mobile Money là chưa hình thành khuôn khổ pháp lý đối với loại hình dịch vụ này.

Theo các chuyên gia kinh tế, để triển khai Mobile Money có hiệu quả cũng như phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra phải có biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao cập nhật thường xuyên.

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các nhà mạng và các doanh nghiệp triển khai Mobile Money cần đầu tư hạ tầng công nghệ; đặc biệt lưu ý đến các công nghệ về xác thực và bảo mật thông tin khách hàng.

Song song với đó, các cơ quan quản lý cần có biện pháp chặt chẽ để kiểm soát lượng tiền di động tương ứng đúng với số tiền khách hàng đã nộp vào, tránh để xảy ra hiện tượng các nhà mạng có thể tạo ra cung tiền mới, cũng như các biện pháp nhằm quản lý, kiểm soát không để các nhà mạng có thể sử dụng lượng tiền nộp vào của khách hàng để đầu tư vào những mục đích khác.

“Các doanh nghiệp viễn thông phải định danh khách hàng sử dụng thuê bao di động chặt chẽ trên thực tế, chứ không phải trên pháp lý để có kho dữ liệu chính xác. Theo đó, các nhà mạng viễn thông cần phải chuẩn hóa kho dữ liệu khách hàng, dữ liệu khách hàng phải chính xác, phải giải quyết triệt để vấn đề “SIM rác” ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Thùy Dương