Mở rộng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đi kèm đường sắt đô thị
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình, Thường trực Tỉnh ủy vừa có buổi làm việc về công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - TP Bình và cầu Hòa Bình 6.
Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc tổng thể tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, nằm trong mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc.
Đoạn tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đã được phân kỳ đầu tư, bước đầu triển khai xây dựng theo hình thức BOT với quy mô đường cấp III và hai làn xe.
Hiện nay, đoạn tuyến này đã được đưa vào khai thác từ tháng 10/2018, chủ yếu đi qua khu vực đồi núi thấp, địa hình khá thuận lợi để đầu tư và khai thác tiềm năng đất hai bên tuyến, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Do đó, đây là một trong các dự án trọng điểm để tỉnh tập trung các nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng.
Theo đề xuất, đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được đầu tư mở rộng theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Mục tiêu dự án nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông giữa khu vực Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình với Thủ đô Hà Nội và các địa phương khác trong khu vực; góp phần giảm tải cho Quốc lộ 6, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc và tỉnh Hòa Bình.
Dự án có điểm đầu tại Km6+700 trên đường Hòa Lạc - Hòa Bình (giao với đường Hòa Lạc - Làng Văn Hóa các dân tộc) thuộc xã Yên Bài, huyện Ba Vì, Hà Nội. Điểm cuối tại Km29+400 giao với dự án cầu Hòa Bình 5, thuộc địa phận phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình.
Tuyến có chiều dài 22,7 km, trong đó đoạn qua địa phận TP Hà Nội dài 6,75 km và đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình dài 15,95 km.
Hiện dự án có 4 phương án đầu tư, trong đó, phương án 4 được đánh giá có tính khả thi cao. Phương án này có quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (có dự trữ quỹ đất để mở rộng đường bộ thành 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh và hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe, đồng thời xây dựng đường sắt liên vùng trong tương lai).
Liên quan đến dự án này, các đại biểu đã cho ý kiến, đánh giá những ảnh hưởng việc mở rộng dự án với các quy hoạch liên quan, thống nhất chủ trương phương án đầu tư, tài chính; phương án quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật,…
Cũng tại buổi làm việc, Thường trực Tỉnh ủy được nghe và cho ý kiến và thống nhất chủ trương đầu tư đối với dự án cầu Hòa Bình 6.
Cầy Hòa Bình 6 là tuyến đường có tính chất và quy mô như đường liên vùng nên được đánh giá là mang lại hiệu quả kinh tế, có tác động lan tỏa thu hút đầu tư phát triển vùng khu vực dự án, đáp ứng nhu cầu phát triển giao thông trong tương lai.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn đã thống nhất với phương án xây dựng hệ thống đường Hòa Lạc - Hòa Bình gồm 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, đồng thời xây dựng đường sắt đô thị.
Cùng với đó, sau khi chốt phương án quy hoạch, các sở, ngành và đơn vị liên quan triển khai công tác giải phóng mặt bằng, bố trí khu tái định cư cũng như các bước tiếp theo của dự án.
Đối với cầu Hòa Bình 6, đây là tuyến đường có tính chất và quy mô như đường liên vùng, mang lại hiệu quả kinh tế, có tác động lan tỏa thu hút đầu tư phát triển vùng. Bí thư Tỉnh ủy giao các cơ quan nghiên cứu, thống nhất vị trí, điểm tuyến, lựa chọn phương án, quy mô thiết kế cầu,...