|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mô hình nào cho mobile money tại Việt Nam?

16:18 | 09/06/2019
Chia sẻ
Trong kỳ họp thường kỳ tháng 3-2019, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án cho doanh nghiệp viễn thông thí điểm dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (mobile money).

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đề cập đến các mô hình quản lý mobile money trên thế giới và kết quả của việc áp dụng phương thức này với sự phát triển tại các quốc gia, nhằm cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn khác.

Nhìn chung, hiện nay trên thế giới có hai mô hình quản lý mobile money khác nhau: mô hình nhà điều hành mạng di động (Mobile Network Operator - MNO) và mô hình quản lý kiểu ngân hàng (Bank-led model).

Điểm khác biệt quan trọng giữa hai mô hình này là các nhà cung cấp thanh toán di động không phải tuân theo các yêu cầu quy định giống như các ngân hàng khi họ nhận tiền gửi hoặc thực hiện các chức năng liên quan đến tiền gửi.

Trong mô hình quản lý kiểu ngân hàng, các nhà cung cấp dịch vụ di động có nghĩa vụ phải làm việc cùng với ngân hàng và do đó, dịch vụ này chịu sự giám sát từ trước của các cơ quan quản lý tài chính của một quốc gia.

Việc lựa chọn mô hình quản lý kiểu nào cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của mobile money. Tuy nhiên, theo tôi mô hình MNO có lợi cho việc phổ biến mobile money hơn mô hình quản lý kiểu ngân hàng.

Chúng ta có thể thấy hai mô hình này đại diện cho hai thái cực quy định đối nghịch. Trong mô hình MNO, dịch vụ được điều hành bởi nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động, hoạt động độc lập với các tổ chức tài chính; trong khi đó ở mô hình quản lý kiểu ngân hàng, dịch vụ này được điều hành chủ yếu bởi các tổ chức tài chính. Tiêu biểu cho hai mô hình quản lý này có hai nước: Mexico (mô hình quản lý kiểu ngân hàng) và Kenya (mô hình MNO).

Ở Mexico, mối quan hệ giữa các ngân hàng với các cơ quan quản lý rất chặt chẽ, thể hiện ở mức độ tuân thủ các nguyên tắc định danh khách hàng (KYC) và phòng chống rửa tiền (AML) quốc tế. Các ngân hàng đưa ra các quy định cho thanh toán di động ngay từ đầu.

Ngược lại, mối quan hệ của các ngân hàng với các cơ quan quản lý của Kenya không chặt chẽ, thể hiện ở việc tuân thủ lỏng lẻo của quốc gia này với các hướng dẫn KYC và AML quốc tế. Và các ngân hàng không thể can thiệp vào quy trình cho phép các dịch vụ thanh toán di động được triển khai.

Kết quả của hai mô hình quản lý này thể hiện ở mức độ phổ biến của mobile money, theo đó, tại Kenya, hơn 72% dân số có tài khoản thanh toán di động so với con số chỉ hơn 11% tại Mexico.

Vấn đề lạm quyền điều tiết (regulation capture) được nhiều người mang ra để giải thích cho kiểu mô hình quản lý, tuy nhiên việc này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của loại dịch vụ đến cộng đồng dân cư chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng và bị loại trừ tài chính (financial exclusion).

Nói như vậy không có nghĩa là việc ban hành các quy định là không cần thiết hoặc không quan trọng mà có chăng là các quy định pháp lý sẽ làm cho dịch vụ mobile money trở nên đắt đỏ hơn và tăng rào cản gia nhập của các công ty viễn thông.

Các cơ quan quản lý có thể kiểm soát được vấn đề lạm quyền điều tiết khi họ thấy nhu cầu được sử dụng các dịch vụ tài chính của đại đa số dân chúng chưa tiếp cận được dịch vụ ngân hàng là động lực chính cho việc hoạch định chính sách, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các các mô hình và công nghệ mới.

Tôi xin dẫn ví dụ mô hình phát triển mobile money tại các quốc gia Bolivia, El Salvador, Guatemala, Honduras và Paraguay... nơi mà Tigo Money (một loại mobile money) được cung cấp bởi công ty Bỉ, Milicom International.

Dịch vụ này lần đầu tiên được ra mắt tại Paraguay vào năm 2008 mà không chịu sự ràng buộc về quy định nào của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Paraguay hoặc các cơ quan quản lý tài chính. Người dùng điện thoại di động có thể tự động đăng ký thanh toán di động.

Trong trường hợp của Brazil, các tổ chức phi ngân hàng có thể phát hành tiền điện tử như một định chế thanh toán và nguồn tiền nắm giữ tại tài khoản của NHTW, riêng nguồn tiền này không được dùng để cho vay.

Tại Uganda, các hướng dẫn quy định không hoàn toàn theo mô hình MNO nhưng ít nghiêm ngặt hơn so với mô hình quản lý kiểu ngân hàng. Các nguyên tắc về mobile money của quốc gia này yêu cầu các MNO phải hợp tác với ngân hàng nhưng người dùng không phải mở một tài khoản riêng để sử dụng các dịch vụ này và mobile money được gửi vào một tài khoản ký quỹ, không phải tài khoản cá nhân.

Ở một khía cạnh khác, quy định được hình thành sau khi các dịch vụ được cung cấp một cách hiệu quả. Đây là trường hợp của Philippines, quốc gia đầu tiên cung cấp dịch vụ mobile money (Smart Money (2001) và G-Cash (2005)). Hình thức mobile money đầu tiên tại Philippines là đó dịch vụ chuyển tiền, ban đầu đây là sự hợp tác với một ngân hàng, Banco d’Oro, sau đó dịch vụ này được cung cấp bởi MNO mà không có đối tác ngân hàng nữa.

Các dịch vụ này ban đầu được cung cấp mà không chịu bất kỳ quy định nào và dịch vụ này được xem là một hình thức cạnh tranh với các ngân hàng. Hiện tại, cả hai mô hình quản lý kiểu ngân hàng và MNO cùng tồn tại ở Philippines. Quốc gia này được xem là một ví dụ về tính linh hoạt trong quản lý mobile money.

Ngay cả sau khi các quy định đã được xác lập thì NHTW Philippines vẫn tiếp tục có những sửa đổi. Ví dụ, một yêu cầu được đặt ra bởi NHTW Philippines là trước khi được phép giao dịch mobile money, các đại lý sẽ cần phải tham dự các buổi huấn luyện về AML và chống tài trợ khủng bố (CFT), đây là các hoạt động không phổ biến bên ngoài Manila. Tuy nhiên, các yêu cầu này đã được nới lỏng để cho phép các MNO cung cấp hoạt động đào tạo cho các đại lý.

Quay lại ở Việt Nam, hiện tại dự thảo về nguyên tắc quản lý dịch vụ mobile money mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến các bộ ngành liên quan trước khi trình Chính phủ quyết định. Liệu mobile money có thể phát triển để thúc đẩy tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt hay không sẽ phụ thuộc việc lựa chọn mô hình quản lý đối với dịch vụ này, cũng như việc cơ quan quản lý có thể vượt qua được vấn đề điều tiết quá mức như trường hợp của Mexico.

Trần Hùng Sơn