|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Mía đường Sơn La: Tồn kho tiếp tục giảm mạnh và khoản nợ gần 550 tỉ đồng với Vietinbank

10:29 | 11/10/2019
Chia sẻ
Riêng nợ vay ngắn, dài hạn của CTCP Mía đường Sơn La đã vượt quá phần vốn chủ, đáng chú ý phần lớn nợ này đến từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank chi nhánh Sơn La).

Trong quí đầu tiên của niên vụ 2019 - 2020 (1/7 - 30/9), CTCP Mía đường Sơn La (Mã: SLS) báo doanh thu giảm 21% so với cùng kỳ, đạt 156 tỉ đồng. Biên lãi gộp từ trên 18% giảm còn dưới 17%, tuy nhiên đây vẫn là hiệu suất tốt nhất nếu so với doanh nghiệp trong ngành.

Mía đường Sơn La giữ lợi thế chi phí bán hàng không đáng kể do nằm trong hệ sinh thái nhóm doanh nghiệp Mía đường Kim Hà Việt; nhưng việc chi phí lãi vay cao làm giảm đáng kể phần lợi nhuận cuối cùng mà công ty mía đường Tây Bắc nhận được. 

Vì là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng sâu vùng xa, Mía đường Sơn La được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Công ty lãi ròng 13,6 tỉ đồng trong quí, giảm 36% so với cùng kỳ. 

Tổng tài sản của Mía đường Sơn La giảm khoảng 140 tỉ đồng so với đầu niên vụ mà chủ yếu do giảm hàng tồn kho. Từ niên vụ trước, công ty này đã tăng cường việc thanh lý hàng tồn như một biện pháp phòng thủ trước bối cảnh Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) sắp có hiệu lực, mở cửa đối với đường ngoại nhập. Tính đến thời điểm 30/9/2019, giá trị hàng tồn kho còn lại khoảng 307 tỉ đồng. 

Với Mía đường Sơn La, nợ vay vẫn là vấn đề đáng báo động. Các khoản vay ngắn hạn giá trị 362 tỉ đồng tại thời điểm cuối kỳ tăng so với đầu kỳ; cộng thêm phần nợ vay dài hạn 206 tỉ đồng khiến cho tổng nợ vay của Mía đường Sơn La đã vượt xa vốn chủ sở hữu. 

Đáng chú ý, gần như toàn bộ các khoản vay của Mía đường Sơn La nằm ở Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank chi nhánh Sơn La) lên tới gần 550 tỉ đồng. 

Đông A

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.