|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mía đường ASEAN, từ năm 2018

15:13 | 28/12/2017
Chia sẻ
Việt Nam tham gia Liên minh Mía đường ASEAN (ASA) từ ngày thành lập, 16-7- 2016, với hai thành viên là Hiệp hội Mía đường Việt Nam và tập đoàn Thành Thành Công. Sau hội nghị đầu tiên của ASA tại Manila (Philippines), nhiều thành viên đã nêu những trở ngại trong kỹ thuật sản xuất mía và lập Nhóm hành động về kỹ thuật của ASA. Nhóm này đã kêu gọi các nhà máy đường của các quốc gia thành viên, gồm Indonesia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam nên trao đổi kinh nghiệm để phát triển ngành mía đường ASEAN lớn mạnh. Hội nghị lần này được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào tuần rồi...
mia duong asean tu nam 2018
Với ngành mía đường Việt Nam, nhất là với các nhà máy đường, trước hết cần tích cực tham gia các hoạt động hữu ích của ASA để kịp thời nắm bắt những công nghệ mới. Từ đó, tái cơ cấu lại ngành mía đường có lợi nhất cho cả người trồng mía và doanh nghiệp. Trong ảnh: Thu hoạch mía ở ĐBSCL.

Khi Thái Lan giảm lúa, tăng đường

Nói về hiện trạng phát triển ngành công nghiệp đường của Thái Lan, ông Rangsit Hiangrat, Tổng giám đốc tập đoàn các nhà máy đường Thái Lan (Thai Sugar Millers Corporation - TSMC, đại diện của ba hiệp hội nhà máy đường và là thành viên Ban Thư ký ASA), cho biết ngành đường Thái Lan bắt đầu từ năm 1937, đến nay đã có 54 nhà máy ở 47 tỉnh, trồng 1,6 triệu héc ta mía, tổng công suất 1 triệu tấn mía/năm.

Trước tình trạng lợi tức của nông dân trồng lúa quá thấp như hiện nay, Chính phủ Thái Lan đã có chính sách khuyến khích nông dân trong vòng bán kính 50 ki lô mét quanh nhà máy đường chuyển từ trồng lúa sang trồng mía. Nếu xây nhà máy đường mới, vùng mía nguyên liệu có thể quy hoạch theo đường bán kính 100 ki lô mét. Nhà máy đường mới phải cách xa nhà máy đường hiện có ít nhất 50 ki lô mét.

Theo Văn phòng Hội đồng Mía và đường (OCSB), từ chính sách mới này, Thái Lan đã có thêm 36 dự án mới (thêm 300.000 tấn mía/năm), trong đó sáu nhà máy đường mới đang được xây dựng. Hiện nay mặc dù giá đường thế giới đang giảm, giá đường bán trong nước (Quota A) vẫn ở mức 0,65 đô la Mỹ/ki lô gam, do nhà nước ấn định. Vì thời tiết không thuận lợi nên sản lượng đường Thái Lan liên tục giảm trong hai niên vụ vừa qua (niên vụ 2016-2017 chỉ đạt 11 triệu tấn đường). Tuy nhiên, niên vụ 2017-2018 có thể nhích lên 12 triệu tấn nhờ mùa mưa thuận lợi.

Lượng đường tiêu thụ trong nước đạt dưới 30 ki lô gam/người (cao nhất trong ASEAN) nên liên tiếp trong 33 năm qua, Thái Lan là nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Năm 2017, Thái Lan xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn đường (sang các nước ASEAN 3,9 triệu tấn, các nước châu Á khác 2,5 triệu tấn và các nước ngoài châu Á 1,6 triệu tấn).

Phó giáo sư Klanarong Sriroth, trường Đại học Nông nghiệp Kasetsart, cố vấn tập đoàn Mía đường Mitr Phol, nhấn mạnh thêm về vai trò chủ chốt của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại trong việc sửa đổi Luật Mía đường năm 1984. Chính chính sách hai giá, tức ấn định giá nội địa (Quota A) cao hơn giá xuất khẩu (Quota B và Quota C), đã khuyến khích ngành đường phát triển rất nhanh vì tiền lãi cuối niên vụ nông dân trồng mía được hưởng 70% và nhà máy đường hưởng 30%.

Chuẩn bị cho năm 2018 khi Thái Lan thực hiện cam kết tự do mậu dịch theo Hiệp định AEC, vào ngày 11-10-2016, Chính phủ Thái đã phê duyệt một kế hoạch tái cấu trúc công nghiệp mía và đường, sửa đổi Luật Mía đường năm 1984 và các quy định khác để đem lại công bằng cho mọi thành phần tham gia.

Trước mắt, Thái Lan sẽ bãi bỏ chính sách quota, bỏ hai giá để thả nổi giá đường. Nước này sẽ xây dựng kế hoạch năm năm phát triển mía và đường (2016-2021) cũng như xác định những điều kiện cho Thái Lan sử dụng mía và đường để chế tạo những sản phẩm khác như ethanol, plastic sinh học, hóa chất sinh học... Thái Lan cũng sẽ nâng cao tiêu chuẩn nhà máy, ổn định giá cả và thành lập Viện Nghiên cứu và phát triển mía đường để tăng cạnh tranh.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước ngọt sẽ bị giới hạn, cây mía sẽ phát triển thuận lợi hơn cây lúa, Chính phủ Thái khuyến khích ngành mía đường mở rộng diện tích mía trên đất lúa. Với sự đầu tư mạnh của các nhà máy đường, với sự ra đời của nhiều giống mía mới chịu kháng bệnh (như một giống mía GMO của Brazil vừa phóng thích), dự kiến nông dân trồng lúa Thái Lan sẽ chuyển sang trồng mía, tăng đến 182 triệu héc ta so với 110 triệu héc ta hiện tại.

Diện tích mía tăng không phải để sản xuất thêm đường, mà để đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía, vì giá đường trong tương lai sẽ biến động khôn lường. Tập đoàn Mitr Phol đã ký kết hợp đồng liên doanh với Công ty DFI (Dynamic Food Ingredients) của bang Colorado, Mỹ để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất Erythritol, Xylitol, Methionine và Formic acid. Đây là những sản phẩm ngọt thiên nhiên (thuật ngữ mới trong ngành đường, gọi là sustainable sugar hay đường bền vững) được bào chế từ đường mía, làm những thực phẩm chức năng rất hữu hiệu phục vụ sức khỏe con người.

Tập đoàn Mitr Phol cũng đang hợp tác với Công ty Biopetrolia và Đại học Chalmers của Thụy Điển để chế biến các loại men (yeasts) dùng trong công nghiệp chế biến và dược phẩm. Tập đoàn Mitr Phol đã phác họa một tầm nhìn chiến lược trong những năm tới là tạo ra nhiều “công viên đường” bao gồm những cơ sở công nghiệp sinh học sử dụng cây mía (bio-industries) chung quanh nhà máy để khắc phục sự sụt giảm tiêu thụ đường mía, điện đồng hành và ethanol.

Mặc dù Chính phủ Thái, qua Quỹ Nghiên cứu Thái Lan (TRF), sẽ đầu tư khoảng 200 triệu baht (6,5 triệu đô la Mỹ/năm), tập đoàn Mitr Phol, qua trung tâm sáng tạo và nghiên cứu của mình, cũng sẽ bỏ vốn đầu tư mạnh cho công nghệ sinh học qua việc hợp tác với những trung tâm tiên tiến của Mỹ, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản... để làm ra những chế phẩm sinh học cần thiết của thế giới, nhất là những phân bón sinh học (bio-fertilizers) để bón cho mía, giảm dần bón phân hóa học.

Phải tăng cường hoạt động R&D

Các quốc gia thành viên của Liên minh Mía đường ASEAN (ASA) đã chuẩn bị đón năm 2018 với những hoạt động R&D và sửa đổi chính sách ngành đường. Việt Nam cần tích cực tham gia các hoạt động hữu ích của ASA để kịp thời nắm bắt những công nghệ mới, từ đó tái cơ cấu lại ngành mía đường.

Các đại biểu của Indonesia (nước nhập khẩu đường nhiều nhất), Myanmar (nước đang chuẩn bị phát triển mạnh ngành đường) và Philippines (có cơ sở và quy trình lai tạo giống mía và quy tắc du nhập giống mía) đã báo cáo tình hình R&D (nghiên cứu và phát triển) và sản xuất của họ cùng với nhu cầu nhập khẩu đường Thái Lan.

Chính phủ Myanmar đã đầu tư trang thiết bị cho ngành mía đường nghiên cứu lai tạo giống mía, nhân giống bằng nuôi cấy mô, nghiên cứu bằng công nghệ sinh học các sản phẩm từ cây mía. Họ cần hợp tác của các chuyên gia về các lĩnh vực này.

Philippines, ngoài việc ngăn chặn buôn lậu đường của Thái Lan qua đường biển ở miền Nam nước này, đã đưa ra một chương trình R&D mía đường trên 11 lĩnh vực trong giai đoạn hợp tác tự do mậu dịch trong ASEAN, bắt đầu từ năm 2018.

Các đại biểu cũng đã thảo luận chương trình cần triển khai của Nhóm Hành động của ASA do TS. Pipat thuộc Hiệp hội Kỹ thuật gia mía đường Thái Lan (TSSCT) phụ trách. Nhóm này đã đề ra kế hoạch cải tạo giống mía, trong đó có việc mở lớp đào tạo chính quy ngành mía đường theo nhu cầu của các nhà máy đường, tại Đại học Kasetsart, Thái Lan.

Có hai vấn đề nổi cộm cần nghiên cứu tiếp. Thứ nhất là ảnh hưởng của đường đến béo phì - có phải đường là thủ phạm hay còn những yếu tố khác? Thứ hai là theo dự báo của Ngân hàng Thế giới thì giá đường vào năm 2030 sẽ liên tục giảm so với hiện nay, vậy có nên sản xuất nhiều đường không?

Qua hội nghị này, tôi thấy rõ là các quốc gia thành viên của Liên minh Mía đường ASEAN đã chuẩn bị đón năm 2018 với những hoạt động R&D và sửa đổi chính sách ngành đường. Rõ nhất là Thái Lan, nổi bật nhất là việc tập doàn Mitr Phol đang mở rộng hợp tác để đón nhận nhiều công nghệ mới từ các nước tiên tiến.

Với ngành mía đường Việt Nam, nhất là với các nhà máy đường, trước hết cần tích cực tham gia các hoạt động hữu ích của ASA để kịp thời nắm bắt những công nghệ mới. Từ đó, tái cơ cấu lại ngành mía đường có lợi nhất cho cả người trồng mía và doanh nghiệp.

GS. Võ Tòng Xuân