Máy bay của đại gia Việt giờ này ở đâu?
Beechcraft King Air350 và Legacy 600 của bầu Đức
Nếu không tính trường hợp của "công tử Bạc Liêu" Trần Trinh Huy thì Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức (“bầu” Đức) là người Việt đầu tiên công khai chuyện mua máy bay riêng.
Năm 2008, ông Đức bỏ 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350 được sản xuất bởi Beech Aircraft Corporaton (Mỹ) năm 2005. Máy bay có số serier FL-417, đã bay 3.000 giờ, bảo hành 3 năm. Đây là máy bay phản lực cánh quạt hai động cơ loại nhỏ, sức chở tối đa 11 người, thân dài hơn 10 m, sải cánh hơn 15 m, buồng lái có chỗ cho 2 phi công. Lý do bỏ hàng triệu USD để tậu máy bay, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho biết để phục vụ công việc.
Bầu Đức (trái) và ông Nguyễn Thành Trung, người từng lái chiếc máy bay cho ông trước đây. Ảnh: Vnexpress
Để đưa vào khai thác, ông chủ Hoàng Anh Gia Lai còn tốn thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kỹ thuật...
Đường bay chủ yếu của King Air 350 là từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia Lai ở trong nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar với tầm bay hơn 2.000 km.
Năm 2016, đại gia Việt đầu tiên sở hữu máy bay đã bán lại chiếc Beechcraft King Air350 cho Công ty Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) - một đơn vị kinh tế thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc Phòng.
Giá bán chiếc King Air350 không được tiết lộ, tuy nhiên, trên trang mensjournal chuyên đăng tải các thông tin bán, sang nhượng máy bay cho biết, giá của chiếc King Air350 khi còn mới là 7,5 triệu USD, trong đó chiếc King Air350 đã qua sử dụng có giá 4,5 triệu USD.
Đầu năm 2015, vị doanh nhân này tiếp tục sắm phi cơ phản lực Legacy 600 "xịn" hơn, có giá 27,5 triệu USD.
Chiếc Legacy 600 được cho là của bầu Đức chở cựu chiến binh ra thăm nhà tù Côn Đảo hồi tháng 3/2015. Ảnh: Tuổi trẻ
Chiếc Legacy 600 được ông chủ Hoàng Anh Gia Lai thực hiện thuê mua (thuê sau một thời gian mới được chuyển quyền sở hữu) lại của công ty Vietstar Airlines.
Trực thăng EC 135P2i của ông Trần Đình Long
Năm 2010, ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát chi khoảng 5 triệu USD sắm chiếc máy bay trực thăng thuộc mẫu EC135Pi của công ty kinh doanh máy bay Hồng Kông - công ty VinaCopter.
Ông Trần Đình Long đã thuê Công ty Dịch vụ bay Miền Bắc thực hiện các dịch vụ liên quan đến việc bảo dưỡng, lo thủ tục sử dụng chiếc EC 135P2i. Giá trị máy bay của đại gia này khoảng 5 triệu USD (tính cả thuế).
Chiếc trực thăng EC 135P2i của Tập đoàn Hòa Phát đã được bán cho Công ty VinaCopter của Hồng Kông.
Mua chiếc trực thăng có tổng chi phí lên tới 5 triệu USD nhưng ông chủ Hòa Phát lại quyết định cho chính công ty của mình thuê lại với giá chỉ 1 đồng/năm. Máy bay được Tập đoàn Hòa Phát toàn quyền sử dụng cho mục đích công việc.
Trước đó, toàn bộ chi phí để đưa chiếc máy bay về Việt Nam cũng như vận hành đều do ông Long chi trả, dù hợp đồng được ký kết thông qua tập đoàn Hòa Phát.
Cuối năm 2011, Chủ tịch Hòa Phát đã bán lại máy bay cho chính công ty mà ông đã mua. Sau đó, ông Long được cho là đã có kế hoạch mua máy bay trực thăng mới thuộc dòng EC155B1.
Nói về ý định sắm máy bay mới, gần đây, ông chủ Hòa Phát chia sẻ: "Tôi đang có ý định nhưng bị mọi người can quá. Nếu mua máy bay, tôi sẽ mua phản lực vì hoạt động ở khu Dung Quất phải đi lại nhiều. Tôi đang xem xét thôi".
Đại gia Cao Văn Sơn với ý định nhập 10 máy bay
Cuối năm 2011, ông Cao Văn Sơn – chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh (Green Planet) đã lên kế hoạch nhập khẩu 10 chiếc máy bay tư nhân loại nhỏ, có giá từ 90.000 USD trở lên. Tuy nhiên, do vướng mắc tại nhiều khâu, đến tháng 8/2013, Công ty Hành tinh xanh mới được chấp thuận nhập khẩu 4 chiếc máy bay.
Ông Cao Văn Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty Hành tinh xanh, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS).
Ông Sơn đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS). Theo website của công ty này, ông Sơn là tiến sỹ khoa học quản lý – Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ông Sơn từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Công ty Cơ điện công trình Hà Nội, Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty như Công ty Hành tinh xanh, Công ty Cổ phần Sông Hồng, Công ty Cổ phần Công nghệ Viettel.
Một trong những mấu máy bay siêu nhẹ được Công ty Hành tinh xanh nhập về Việt Nam. Ảnh: Atecaircraft
Những chiếc máy bay công ty ông Sơn nhập về được giới thiệu đều là loại 2 chỗ ngồi, hai trong số đó do Cộng hòa Czech sản xuất, còn lại xuất xứ từ Mỹ. Trong số 10 máy bay được ông Sơn mua về, chiếc có giá thấp nhất 2 triệu USD và chiếc có giá cao nhất là 14 triệu USD. Mức giá này chưa tính thuế nhập khẩu, VAT... Những chiếc máy bay này được bảo quản tại kho của Học viện hàng không Nha Trang.
Đại gia Thanh Hóa Cao Tiến Đoan
Năm 2011, ông Cao Tiến Đoan, được biết đến là một đại gia Thanh Hóa, đã đặt mua về Việt Nam 4 chiếc máy bay trực thăng dưới danh nghĩa công ty Hành Tinh Xanh – nơi ông là thành viên HĐQT.
Đại gia Cao Tiến Đoan.
Đại gia Cao Tiến Đoan sinh năm 1960, khởi nghiệp thầu xây dựng từ năm 21 tuổi. Năm 1996, ông Đoan thành lập Công ty Bất động sản – Tư vấn Xây dựng Đông Á (Đông Á).
Ông Đoàn được biết đến là chủ sở hữu toà biệt thự hoành tráng rộng hơn 50.000m2 ở xã Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hoá. Nơi này được một số tờ báo mạng gần đây gọi là bạch ốc vì màu trắng là màu chủ đạo của khu biệt thự.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của ông Đoan đang được “cắm” tại Công ty Chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) của ông Cao Văn Sơn để vay 25 tỷ đồng.
Năm 2016, hai đại gia Cao Văn Sơn và CaoTiến Đoan từng xảy ra tranh chấp khi phía đòi nợ là Công ty Chứng khoán Kenanga (KVS) của ông Cao Văn Sơn đã đi xe Toyota Hilux BKS 89C-06820 căng băng rôn… đòi nợ xuất hiện trong khuôn viên toà nhà Công ty Bất động sản Đông Á của ông Cao Tiến Đoàn. Băng rôn mang dòng chữ: “Yêu cầu ông Cao Tiến Đoan phải trả cho Công ty KVS 31 tỉ và trả cho ông Cao Văn Sơn 21 tỉ”.
Hai trực thăng của tỷ phú Trịnh Văn Quyết
Nguồn tin xác nhận với PV Nhadautu.vn mới đây cho biết, hai máy bay trực thăng thuộc sở hữu của tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đã được chuyển nhượng cho người khác.
Một trong những chiếc trực thăng được gắn logo của FLC Group đã được bán cho đối tác
Xác nhận với PV Nhadautu.vn, một lãnh đạo FLC cho biết, đây là hai chiếc trực thăng được tập đoàn này mua năm 2014. Cả hai chiếc máy bay này có trị giá trên 1000 tỷ đồng, với tham vọng là hãng đầu tiên tiên khai thác dịch vụ trực thăng bay tới các điểm du lịch mà FLC đang quản lý.
“Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào khác thác, chúng tôi nhân thấy dịch vụ sử dụng trực thăng tại Việt Nam còn gặp nhiều bất cập do phải xin phép đường bay. Thông thường thời gian xin phép đường bay mất một tuần, nên đã mất đi tính cơ động. Do đó, chúng tôi quyết định không khai thác dịch vụ này”, nguồn tin từ FLC nói.
Được biết, đây cũng là lý do cả hai chiếc trực thăng thuộc biên chế của tỷ phú Trịnh Văn Quyết giờ không còn thuộc sở hữu của FLC, khi mới đây tỷ phú Quyết đã đặt bút ký sang nhượng cho đối tác.
Trong khi đó, mới đây Tập đoàn FLC đã ký với nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới – Airbus - đặt mua 24 chiếc máy bay với tổng giá trị thương vụ lên đến 2,4 tỷ USD. Những máy bay này sẽ thuộc biên chế của hãng hàng không Bamboo Airways, một tham vọng mới nhất của tỷ phú Trịnh Văn Quyết trong chiến lược phát triển kinh doanh đa ngành nghề của tập đoàn.