Mặt tốt, mặt xấu khi Trung Quốc tung ra đồng tiền điện tử có sự hậu thuẫn của Nhà nước?
"Trong một thị trường giảm của tiền điện tử, chúng tôi kết bạn; trong thị trường tăng, chúng tôi kiếm tiền", theo Rae Deng, đối tác sáng lập của Du Capital, một công ty đầu tư tiền điện tử có trụ sở tại Singapore.
Rae Deng, đối tác sáng lập của Du Capital. (Nguồn: CNBC).
Tại hội nghị East Tech West của CNBC, bà dự báo cảnh tượng tiền điện tử sắp nở rộ trong thời gian tới với nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc đổ vào thị trường sau khi Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố kế hoạch đón đầu công nghệ blockchain.
Cô lập luận rằng sự hỗ trợ công khai của Bắc Kinh sẽ giúp thúc đẩy "dòng tiền truyền thống", khoản đầu tư vào các lĩnh vực truyền thống của Trung Quốc, để trở thành yếu tố có sức ảnh hưởng lớn. Những nhà đầu tư này trước đây đã tránh xa thị trường tiền điện tử vì quá nhiều bất ổn. Việc chào bán tiền ảo lần đầu (ICO) đã bị cấm ở Trung Quốc kể từ năm 2017.
Cơ hội blockchain của Trung Quốc
Vào cuối tháng 10, thị trường tiền điện tử toàn cầu đã tăng mạnh sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này nên nắm bắt cơ hội mà công nghệ blockchain mang lại.
Giá bitcoin tăng vọt lên trên 10.000 USD trong tích tắc sau nhận định này. Nối tiếp đà tăng đó là sự gia tăng đột biến từ hàng trăm cổ phiếu của các công ty có đầu tư vào blockchain cũng như tiền điện tử.
Động thái bất ngờ của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Facebook công bố dự án tiền điện tử Libra vào tháng 6/2019. Tuy vậy, sự thay đổi chính sách không diễn ra chỉ sau một đêm, Edith Yeung, đối tác quản lí tại Proof of Capital, một quỹ đầu tư mạo hiểm tập trung vào blockchain, cho hay.
"Họ đã làm việc và nghiên cứu vấn đề này trong 5 năm qua, vì vậy đây không chỉ là vì Libra mà chúng tôi thực hiện điều này'", ông Edith Yeung nói với CNBC.
Trung Quốc đang dồn lực vào tiền điện tử trong khi Facebook thì đang bảo vệ dự án tiền điện tử Libra trước ánh mắt hoài nghi của các nhà quản lí. "Gã khổng lồ" mạng xã hội cũng chứng kiến nhiều đối tác thanh toán quan trọng rút khỏi dự án Libra, bao gồm Mastercard, Stripe, Visa, PayPal và eBay.
Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng Trung Quốc có thể bắt đầu tung ra loại tiền kĩ thuật số được Nhà nước hậu thuẫn ngay trong khoảng 2 - 3 tháng tới. Chính phủ đã cung cấp các khoản tài trợ để giúp các dự án blockchain. Ví dụ, chính quyền thành phố Quảng Châu, đã ra mắt quĩ trợ cấp 1 tỉ nhân dân tệ (khoảng 140 triệu USD) để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp blockchain.
Sao lại gấp rút như vậy?
Xiao Wunan, Phó chủ tịch điều hành của Tổ chức Hợp tác và Trao đổi châu Á-Thái Bình Dương (APECF) do Trung Quốc hậu thuẫn, cho rằng các sáng kiến tiền ảo của Trung Quốc có ý nghĩa to lớn về mặt chiến lược.
"Blockchain là lĩnh vực công nghệ mà Trung Quốc bắt đầu phát triển gần như cùng lúc với các quốc gia khác trên thế giới", ông Xiao, người từng làm việc trong Chính phủ Trung Quốc, cho hay.
"Trung Quốc khó lòng khẳng định uy quyền công nghệ trong các lĩnh vực như Internet Plus [sáng kiến Trung Quốc về công nghệ thông tin] hay trí tuệ nhân tạo, nhưng công nghệ blockchain sẽ phù hợp hoàn hảo cho sự thống trị công nghệ của Trung Quốc", ông nói
Dĩ nhiên, tiền kĩ thuật số của Trung Quốc có thể rất khác với bitcoin hoặc các đồng tiền khác, trong đó nhấn mạnh đến tính ẩn danh và phi tập trung. Một loại tiền kĩ thuật số do nhà nước phát hành sẽ giúp Chính phủ Trung Quốc chống lại các vấn đề như hàng giả và an toàn sản phẩm, nhưng nó cũng làm tăng mối lo ngại về quyền riêng tư.
Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ
Đầu tiên, "một đồng tiền kĩ thuật số có sự hậu thuẫn của Nhà nước có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ", bà Deng nhận định.
"Nó có thể chạy song song với hệ thống SWIFT [Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn thế giới] và sáng kiến vành đai và con đường có thể thúc đẩy điều đó", Deng nói.
Một đồng tiền kĩ thuật số cũng có thể khai thác hệ thống thanh toán khổng lồ và phần lớn không dùng tiền mặt.
"WeChat Pay thực hiện một tỉ giao dịch mỗi ngày và xuất hiện ở 60 quốc gia", Deng nói với CNBC. "Trung Quốc có cơ sở hạ tầng thanh toán kỹ thuật số ở qui mô đó và cả trong nước khi Trung Quốc đang tiến tới một xã hội không tiền mặt. Nó chỉ hợp lí để ngân hàng trung ương thích ứng với thực tế cuộc cách mạng kỹ thuật số đó".
Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% giao dịch toàn cầu, theo báo cáo tháng 7 từ Cục Quản lí Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ.
Năm 2018, khối lượng giao dịch thanh toán di động của bên thứ ba đạt 190.500 tỉ nhân dân tệ, theo công ty phân tích iResearch có trụ sở tại Trung Quốc. Con số đó lên tới khoảng 28.780 tỉ USD, dựa trên mức tỷ giá hối đoái trung bình năm 2018 từ Sở Thuế vụ của Mỹ.
Hàng hóa an toàn hơn và ít hàng giả hơn
Một đồng tiền kĩ thuật số có sự hậu thuẫn của Nhà nước có thể giúp cơ quan điều hành nâng cao khả năng theo dõi dòng tiền và hậu cần sản phẩm trong thị trường thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc. Điều đó giúp họ để giải quyết các vấn đề như hàng giả và hàng hóa lo ngại về an toàn sản phẩm, ông Xiao giải thích.
"Ứng dụng chính sẽ là trong lĩnh vực nông nghiệp vì an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề quan trọng nhất ở Trung Quốc... Các cơ quan quản lí có thể theo dõi và xác định nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra, nếu chúng tôi áp dụng công nghệ blockchain cho trang web thương mại điện tử Trung Quốc, việc giải quyết các vấn đề về hàng giả sẽ dễ dàng hơn nhiều", ông Xiao nói.
Bình luận của ông được đưa ra khi Trung Quốc vật lộn với giá thịt lợn tăng vọt vì dịch tả lợn châu Phi đã giết chết hàng triệu con lợn.
Thị trường doanh nghiệp
Các chuyên gia cũng nhìn thấy tiềm năng cho một đồng tiền kĩ thuật số được nhà nước hậu thuẫn trong thị trường doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) tại Trung Quốc. Hiện tại, các công ty đi đầu trong lĩnh vực thanh toán của quốc gia - WeChat Pay và Alipay - tập trung vào các khoản thanh toán cá nhân hoặc thanh toán nhỏ, nhưng ít tiếp xúc với B2B.
"Blockchain có tiềm năng rất lớn để giảm thời gian chu kì giao dịch trong kinh doanh", Paul Brody, người đứng đầu bộ phận blockchain tại Ernst & Young, cho biết.
Thị trường thương mại điện tử B2B có tổng trị giá 20,5 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 3,07 nghìn tỉ USD) trong năm 2017, theo trang thống kê China Internet Watch.
Lo ngại về gian lận và bong bóng tiền ảo
Nhưng khi tiền mặt đổ vào thị trường tiền điện tử, rủi ro về việc định giá tăng nhanh và gian lận tiềm ẩn cũng tăng lên. "Tôi hi vọng chúng ta sẽ tránh lặp lại một số sai lầm ở Trung Quốc – một điều đã xảy ra ở phần còn lại của thế giới", Brody nói.
Tiền điện tử đạt mức cao đáng kinh ngạc vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, nhưng sau đó lại đổ đèo. Bitcoin gần đây dao động quanh ngưỡng 8.000 USD, thấp hơn nhiều so với mức cao nhất mọi thời đại gần 20.000 USD vào cuối năm 2017.
Định giá của các công ty khởi nghiệp và dự án tiền điện tử Trung Quốc đang tăng mạnh, khiến các nhà đầu tư tiềm năng khó đàm phán hơn.
"Tôi nghĩ rồi sẽ có bong bóng thôi", cô Deng nói thêm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/