|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Masan xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% và hạ room ngoại xuống 49%

14:16 | 27/12/2021
Chia sẻ
Việc phát hành cổ phiếu thưởng là một phần trong kế hoạch của ban lãnh đạo Masan nhằm gia tăng giá trị cho cổ đông.
Masan xin ý kiến cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng 20% và hạ room ngoại xuống 49% - Ảnh 1.

Khách hàng đang thanh toán tại chuỗi cửa hàng mới mở của Masan kết hợp giữa WinMart+, Phúc Long, Techcombank và Phano Pharmacy. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành tối đa hơn 236,1 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20% (cứ 100 cổ phiếu được nhận 20 cổ phiếu mới). Cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị giới hạn chuyển nhượng.

Nguồn vốn được lấy từ thặng dư vốn cổ phần theo báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán. Tính đến 30/9, khoản thặng dư vốn cổ phần của Masan Group ghi nhận hơn 11.084 tỷ đồng.

Nếu ý kiến được thông qua và phát hành thành công, vốn điều lệ của tập đoàn sẽ tăng từ 11.805 tỷ lên gần 14.166 tỷ đồng.

Ngoài ý định thưởng cổ phiếu, vào đầu tháng 12, Masan đã thông báo tăng cổ tức tiền mặt cho năm nay từ 10% lên 12% (1.200 đồng/cp). Trước đó tập đoàn đã tạm ứng cổ tức 9,5% vào tháng 7. Phần còn lại dự kiến được doanh nghiệp thanh toán vào cuối tháng này. 

"Việc tăng cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng là một phần trong kế hoạch của ban lãnh đạo nhằm tưởng thưởng và gia tăng giá trị cho cổ đông", theo thông cáo báo chí của Masan phát ra sáng 3/12.

Bên cạnh ý kiến phát hành cổ phiếu thưởng, lần này Masan cũng xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ 100% xuống 49% vốn điều lệ. Trước đó, vào tháng 5/2021, Masan đã được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

Hồi đầu tháng 9, Ardolis Investment Pte Ltd và Government of Singapore thuộc quỹ Chính phủ Singapore (GIC) đã bán cổ phiếu MSN của Masan, giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,34% xuống 8,69%. Ngoài nhóm GIC trên, cổ đông SK Group (Hàn Quốc) cũng đang nắm hơn 9,3% vốn tại Masan.

Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần Masan đạt 64.801 tỷ đồng, tăng trưởng 16,5% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu ở hầu hết các mảng kinh doanh như doanh thu Masan Consumer Holdings tăng 14,3%, Masan MEATLife tăng 32,8% và 89,3% của Masan High-Tech Materials. Lợi nhuận ròng trong 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Masan tăng 119,5%, đạt mức 2.126 tỷ đồng.

Năm 2022, Masan vạch ra kế hoạch sơ bộ mở rộng quy mô chuỗi WinMart+ thêm 700 - 1.000 điểm bán, nâng tổng số siêu thị mini lên 3.300 – 3.600 điểm trước cuối năm 2022. Masan cũng có kế hoạch chuyển đổi ít nhất 50% điểm bán WinMart+ thành các cửa hàng theo mô hình mini-mall kết hợp giữa WinMart+, kiosk Phúc Long, Techcombank và Reddi.

Masan kỳ vọng mô hình này sẽ thúc đẩy gia tăng giá trị bởi các lý do như: Tích hợp đa dạng sản phẩm và dịch vụ giúp gia tăng lưu lượng khách hàng, qua đó cải thiện lợi nhuận chuỗi WinMart+.

Mô hình chia sẻ doanh thu các kiosk với cửa hàng giúp gia tăng lợi ích kinh tế và rút ngắn thời gian đạt điểm hòa vốn của các cửa hàng mới; tăng cường vị thế và sự hấp dẫn của các cửa hàng ở khu vực phía Nam và khu vực nông thôn;

Đồng thời xây dựng nền tảng kỹ thuật số với mạng di động Reddi là cốt lõi để chuyển đổi hệ sinh thái của Masan trở thành nền tảng tiêu dùng công nghệ, thu hút khách hàng mới và cung cấp dịch vụ số nhằm tạo ra tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Minh Hằng

31 doanh nghiệp chốt quyền chia cổ tức trong tuần tới, Dược Hậu Giang có tỷ lệ cao nhất
Trong tuần từ 23/12 đến 27/12, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt.