8,8 tỷ USD đổ vào thị trường M&A, nhiều thương vụ lớn từ Vingroup, Masan, Novaland,…
Thị trường M&A đạt 8,8 tỷ USD
Theo số liệu của KPMG Việt Nam, thị trường trường M&A Việt Nam vẫn ghi nhận tích cực bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19 khi đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với cùng kỳ. Khoảng 58% giá trị M&A này đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và tài chính.
Tại sự kiện M&A do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 9/12, các chuyên gia đánh giá tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên, dẫn đầu bởi 5 doanh nghiệp lớn gồm Vingroup (Mã: VIC), Masan (Mã: MSN), Novaland (Mã: NVL), Hoà Phát (Mã: HPG), Vinamilk (Mã: VNM).
5 doanh nghiệp này đã nâng giá trị thương vụ gấp 5 lần từ mức 248 triệu USD ở năm 2019 lên 1,21 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 53% tổng giá trị giao dịch M&A trong nước. Trong giá trị 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước 10 tháng đầu năm 2021, có 1,13 tỷ USD (11 thương vụ) do nhóm này thực hiện.
Một số thương vụ lớn trong giai đoạn đầu năm như: CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) chi khoảng 410 triệu USD mua cổ phần Vincomerce thông qua công ty con; Alibaba và Baring Private Equity Asia đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX; Vinhomes (Mã:VHM) chi 4.554 tỷ đồng mua cổ phần tại CTCP Đại An; Tiki huy động 258 triệu USD từ vòng gọi vốn do AIA dẫn dắt; Thaco mua 100% vốn E-mart Việt Nam; Bamboo Capital (Mã: BCG) chi hơn 900 tỷ đồng mua 81% vốn bảo hiểm AAA; Ngân hàng Krungsri mua 100% vốn SHB Finance;…
Thành viên của NovaGroup là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) và các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên quan đã liên tiếp thực hiện các thương vụ M&A kể từ đầu năm đến nay với tổng giá trị 11.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai thành viên khác của NovaGroup gồm Nova Consumer đã thành công M&A thương hiệu Phin Deli, Cầu Đất Farm và một số công ty hàng tiêu dùng nhanh; Nova Service cũng sở hữu nhiều thương hiệu FnB và chuỗi khách sạn lớn ở Đà Lạt,...
M&A sẽ bật tăng lại trong năm 2022
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, sau hai năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch COVID-19, cộng đồng kinh doanh đã nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc tái cơ cấu. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, kéo theo nhu cầu M&A dự kiến sẽ bật tăng mạnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam chia sẻ, công ty của ông ghi nhận nhiều nhà đầu tư thực hiện giao dịch tại Việt Nam và cũng đối mặt với nhiều thách thức do vướng mắc việc đi lại, thẩm định,…
"Với các thương vụ nhỏ, một số nhà đầu tư muốn hoàn thành càng nhanh càng tốt, nhưng với các thương vụ lớn thì họ cẩn trọng hơn vì họ không thể đến thăm trực tiếp công ty, ban lãnh đạo. Chúng tôi có nhiều thương vụ và giao dịch nhưng do thời gian chuẩn bị dài hơn nên nhiều thương vụ phải chuyển sang năm sau hoàn thành", đại diện RSM Việt Nam cho biết.
Đánh giá về triển vọng năm sau, ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho rằng hoạt động M&A ở các lĩnh vực như fintech, dịch vụ tài chính, logistics,… có nhiều tín hiệu lạc quan.
Tất nhiên đối với những ngành nghề chịu tác động trong giai đoạn vừa qua như bán lẻ, F&B, giải trí, du lịch, hàng không,... sẽ cần thêm thời gian để xử lý "nỗi đau" và có nhiều tổn hại đến bảng cân đối kế toán.
Còn theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, thị trường M&A 2022 có nhiều tiềm năng bật lại mạnh mẽ nhờ một số yếu tố hậu thuẫn.
Trước hết, nhà đầu tư Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, nhà làm chính sách đã có khả năng phản ứng tích cực để vượt qua và quay trở lại sau đại dịch. Ví dụ như đại dịch đã tăng tốc việc số hóa cho Việt Nam cả trong kinh doanh và lối sống. Việc số hóa sẽ đẩy nhanh và giúp M&A tăng trưởng.
Mặc khác, môi trường pháp lý sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư. Các FTA cũng như các thỏa thuận về hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng sẽ có hiệu lực từ đầu năm sau sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài.