|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Masan trước làn sóng quay về chợ truyền thống của người tiêu dùng

11:42 | 22/12/2022
Chia sẻ
Người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch tạm thời từ bán lẻ hiện đại sang kênh truyền thống để lựa chọn những mặt hàng rẻ tiền hơn.

Bên trong một cửa hàng WIN tại Hà Đông, Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Xu hướng down-trade xuống các phân khúc thấp hơn để quản lý chi tiêu

Trong quý III, kết quả kinh doanh của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) có dấu hiệu tăng trưởng giảm tốc nhanh theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chủ yếu do mảng tiêu dùng chậm lại và chi phí tài chính tăng mạnh.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, Masan Group ghi nhận doanh thu thuần 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 14,3% và lợi nhuận sau thuế 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ. Theo BVSC, nếu loại trừ khoản bất thường từ đánh giá lại Phúc Long (xấp xỉ 642 tỷ đồng) thì lợi nhuận Masan tăng trưởng chưa đến 20%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng đầu năm của công ty chứng khoán này.

Trong đó, với CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã: MCH), 9 tháng đầu năm là bức tranh trái ngược của các dòng hàng. Gia vị và thực phẩm tiện lợi giảm từ mức nền cao của năm trước trong khi nước uống và sản phẩm chăm sóc gia đình có mức hồi phục mạnh mẽ. 

Bên cạnh đó, theo quan sát có thể thấy thấy sức mua yếu dần khi bước vào quý III và người tiêu dùng đang có xu hướng down-trade (thay thế bằng thứ rẻ hơn) xuống các phân khúc thấp hơn để quản lý chi tiêu, bằng chứng là tỷ lệ đóng góp của các sản phẩm cao cấp của MCH giảm khá đáng kể tại thời điểm quý III so với năm trước. 

Phía Masan Group cũng cho rằng mình đã quá lạc quan trong kế hoạch tăng trưởng đầu năm cho MCH và đặc biệt trong quý II và quý III đã tiến hành giảm áp lực tại các điểm phân phối để chuẩn bị cho dịp bán hàng trước Tết vào quý IV.

Về phía chuỗi phân phối WinCommerce (WCM, đơn vị vận hành WinMart/WinMart+/WIN và WinEco) doanh thu ghi nhận mức giảm đáng kể trong quý III không chỉ do mức nền cao trong năm ngoái mà cũng do sức mua của người tiêu dùng giảm do ảnh hưởng của thu nhập, giá cả. Thực tế, theo báo cáo từ BVSC phân tích, đang có sự chuyển dịch ngược tạm thời từ kênh hiện đại về kênh truyền thống để tìm kiếm những lựa chọn rẻ tiền hơn của người tiêu dùng. 

Điều này đã thúc đẩy các công ty bán lẻ đẩy mạnh rà soát doanh mục sản phẩm, giá cả, tăng cường chương trình khuyến mãi, chính sách kích cầu cho thành viên và cắt giảm/tối ưu hoá chi phí hoạt động.

Lạc quan về câu chuyện ngành tiêu dùng của Masan

Mặc dù đưa ra dự báo về một số bất lợi trong ngắn hạn của Masan, song các chuyên viên phân tích từ BVSC vẫn lạc quan về câu chuyện ngành tiêu dùng của tập đoàn này, đó là phục vụ các nhu cầu chưa được khai phá hoặc chưa được đáp ứng đúng mức của người tiêu dùng thế hệ mới (affluent consumers). 

Đó là sự bùng nổ của đa dạng hoá, tiện lợi hoá, cao cấp hoá sản phẩm; sự quan tâm ngày một nhiều đến các vấn đề về chất lượng, an toàn sức khoẻ; sự chuyển dịch hành vi mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại và đa kênh,…

Tuy nhiên trong ngắn hạn, BVSC cho rằng chiến lược này sẽ gặp phải một số khó khăn khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh sức mua giảm do thất nghiệp, lạm phát, tín dụng thắt chặt và giá cả các loại tài sản tích lũy giảm mạnh.

BVSC dự báo quý IV năm nay có thể sẽ là một mùa mua sắm Tết không quá sôi động. Trong khi với việc người lao động mất việc trở về quê nhiều thì các cửa hàng ở khu vực thành phố lớn cũng có thể chịu ảnh hưởng, do đó WCM được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ. Tóm lại, tăng trưởng doanh thu trong 2023 chủ yếu nhờ các cửa hàng mới mở trong năm trước có thời gian để hoạt động và đóng góp doanh thu cả năm.

Thiên Trường

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.