|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mạng lưới chuyển tiền liên ngân hàng truyền thống sẽ bị lật đổ?

15:07 | 27/02/2019
Chia sẻ
Một nền tảng blockchain khác đang phát triển rất nhanh trong giới ngân hàng quốc tế với tham vọng sẽ lật đổ mạng lưới chuyển tiền liên ngân hàng SWIFT truyền thống.
mang luoi chuyen tien lien ngan hang truyen thong se bi lat do

Tuần trước JPMorgan Chase (JPM), một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, công bố sẽ thử nghiệm “đồng tiền” JPM Coin (JPM-C) trên hệ thống blockchain Quorum của mình cho các giao dịch chuyển tiền của khách hàng. Đây là bước đi tất yếu của ngân hàng này sau khi đã dốc sức phát triển và quảng bá hệ thống Quorum từ năm 2016 dựa trên nền tảng Ethereum. Mặc dù nhiều bài báo gọi JPM-C là tiền mật mã (cryptocurrency), một số chuyên gia trong lĩnh vực này đã nhanh chóng chỉ ra cách gọi này không chính xác, chí ít theo cách hiểu thông thường của loại tiền tệ này.

Sự khác biệt lớn nhất giữa JPM-C và các đồng tiền mật mã truyền thống như bitcoin (BTC) hay ether (ETH) là tính chất phi tập trung (decentralized). Trong khi BTC hay ETH không bị một cơ quan (tập trung) nào quản lý và ai cũng có thể tham gia vào các mạng lưới tiền tệ đó, JPM-C do một ngân hàng cụ thể kiểm soát và chỉ cho phép khách hàng/đối tác tham gia một cách có chọn lọc. Cũng có người gọi JPM-C là một đồng tiền mật mã có giá trị ổn định (stablecoin) nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Ngoài việc đây không hẳn là một đồng tiền mật mã đúng nghĩa, nguyên lý neo tỷ giá JPM-C với đô la Mỹ chỉ đơn thuần là thay đổi đơn vị ghi sổ số dư tài sản của khách hàng chứ không phải hoán đổi tiền của khách hàng vào một quỹ dự trữ như các stablecoin khác. Tất nhiên trong tương lai JPM-C có thể sẽ biến đổi thành một đồng tiền mật mã đúng nghĩa, hiện tại có thể coi nó là một đồng tiền số (digital currency) hay chỉ đơn giản là một đơn vị ghi sổ điện tử (digital unit of account) cho các khách hàng của ngân hàng này.

Sự xuất hiện của JPM-C vừa là mối đe dọa cho các đồng tiền mật mã hiện tại, cổ điển hay stablecoin, đồng thời là động lực để các nhóm phát triển đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật mà họ đang theo đuổi.

Như vậy mục đích của JPM-C là gì? Một số chuyên gia tài chính đã nhanh chóng chỉ ra rằng JPM muốn cạnh tranh với RippleNet của Ripple Labs, một nền tảng blockchain khác đang phát triển rất nhanh trong giới ngân hàng quốc tế với tham vọng sẽ lật đổ mạng lưới chuyển tiền liên ngân hàng SWIFT truyền thống. JMP có lợi thế đáng kể với hệ thống khách hàng hiện tại khắp thế giới và tiềm lực tài chính mạnh. Ngoài ra, với tính chất tập trung của hệ thống JPM-C, JPM sẽ dễ đáp ứng được các quy định quản lý về hoạt động ngân hàng/chuyển tiền hơn so với RippleNet. Không chỉ cạnh tranh với RippleNet và SWIFT, nếu JPM-C thành công, hệ thống này có thể sẽ lấn lướt luôn cả mảng thanh toán bán lẻ của Visa và Master.

Tham vọng là vậy nhưng JPM sẽ gặp nhiều thách thức. Bởi JPM-C có tính tập trung nên các ngân hàng khác sẽ khó chấp nhận, họ không muốn một hệ thống thanh toán/chuyển tiền mới thay thế cho SWIFT/Visa/Master do một đối thủ cạnh tranh trực tiếp kiểm soát hoàn toàn. Bản thân các nền tảng truyền thống cũng đang ráo riết phát triển các giải pháp thanh toán có các ưu điểm của blockchain như khả năng tích hợp smart contract, chưa chắc giải pháp kỹ thuật của JPM-C đã ưu việt hơn. Bên cạnh các đối thủ cạnh tranh tư nhân, một số ngân hàng trung ương lớn (Fed, BoE) cũng đang nghiên cứu phát triển tiền mật mã/tiền điện tử/hệ thống thanh toán dựa vào blockchain. JPM-C hiện tại mới chỉ gắn với đồng đô la Mỹ, mở rộng sang các đồng tiền khác sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật, quản lý, luật pháp phức tạp hơn nhiều.

Nhưng dẫu sao sự xuất hiện của JPM-C vừa là mối đe dọa cho các đồng tiền mật mã hiện tại, cổ điển hay stablecoin, đồng thời là động lực để các nhóm phát triển này đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật mà họ đang theo đuổi. Dù sự trồi sụt giá trị của BTC trong mấy năm qua đã cản bước sự phát triển của các đồng tiền mật mã và bộc lộ những khuyết điểm của chúng, sau khi cơn sốt giá qua đi, những công ty/startup thực sự có năng lực vẫn sẽ có cơ hội tìm ứng dụng cho đồng tiền/công nghệ của mình. Jamie Dimon, CEO của JPM, từng phê phán gay gắt đồng BTC nhưng cuối cùng cũng thừa nhận tương lai của blockchain. Đầu tư/nghiên cứu công nghệ blockchain và các ứng dụng của nó sẽ không bị lạc hậu.

TS. Lê Hồng Giang