|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mặn và ngọt

07:49 | 16/03/2020
Chia sẻ
Ngày 26/2, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã đề xuất phương án đưa nước mặn vào một số tuyến kênh trục vùng ngọt hóa nhằm giảm thiểu thiệt hại do sụt lún đất. Tuy nhiên, đề xuất của ông không được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Tỉnh ủy đồng ý mà phải thay bằng phương án khác(1). Chuyện này làm gợi nhớ một câu chuyện tương tự xảy ra cách nay đúng 26 năm, cũng thuộc tỉnh Cà Mau.
Mặn và ngọt - Ảnh 1.

Sạt lở tại ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Bối cảnh năm 1989, Việt Nam mới trở lại nhóm các nước xuất khẩu gạo sau hơn một thập niên thiếu gạo ăn. Vì vậy, nói không ngoa, cây lúa là “sĩ diện” của chúng ta, không phải chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới. Do vậy mà nguồn lực của toàn xã hội dồn hết cho sản xuất lúa, chủ yếu là đào mương xẻ kênh, tiêu úng xổ phèn, ngăn mặn dẫn ngọt.

Các tỉnh ở ĐBSCL thì phấn đấu trở thành thành viên nhóm “một triệu tấn lúa”, bằng những chương trình tái phân bố dân cư, khai hoang phục hóa. Các viện, trường tập trung tuyển chọn giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, kỹ thuật canh tác phù hợp trên các vùng sinh thái khác nhau. Nông dân thì tìm mọi cách để tăng vụ, không phải chỉ 2-3 vụ mỗi năm mà là hai năm bảy vụ...

Trong niềm hưng phấn đó, tỉnh Cà Mau đầu tư kinh phí xây dựng đê bao, cống đập nhằm ngăn mặn xâm nhập từ vành đai ven biển. Điều này lại được hỗ trợ bởi một chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau của trung ương nhằm chuyển nước ngọt từ sông Hậu, theo trục kinh Quản Lộ -  Phụng Hiệp xuống cho Cà Mau.

Tuy nhiên, đến năm 1994, hàng loạt công trình ngăn mặn của các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển đã bị người dân phá bỏ, để đưa nước mặn trở lại nuôi tôm sú(2).

Có nhiều vụ bắt bớ những người cầm đầu, xúi giục người dân đi phá đê bao cống đập. Đáng quan tâm là những người “nổi loạn” này lại là những người từng xung phong đi đầu hô hào, vận động người dân đi đắp đê, xây cống ngăn mặn trong những năm trước đó, trong đó không ít người là những Đảng viên kỳ cựu đã kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Công Nghiệp lúc bấy giờ rất ray rứt: “Chưa bao giờ xã hội bị phân hóa như lúc này, ngay cả những năm bom rơi đạn lạc, người dân và các cấp chính quyền vẫn luôn cùng một lòng. Còn bây giờ, người dân là một bên, chính quyền một bên. Những người “phá hoại” những công trình của Nhà nước thì không thể không xử lý; còn trong con mắt người dân thì chính quyền cản trở cơ hội làm giàu của họ”.

Rồi ông cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cà Mau đi xuống hiện trường tiếp xúc, thăm hỏi tâm tư nguyện vọng của người dân. Ông cũng trực tiếp gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt trình bày và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn. May mắn cho người dân và lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Thủ tướng đã đồng ý cho tỉnh Cà Mau điều chỉnh lại chiến lược ngăn mặn, trong đó huyện Ngọc Hiển và một phần huyện Năm Căn được đưa nước mặn trở lại đồng ruộng để người dân nuôi trồng thủy sản.

Không được may mắn như trước đây, trong buổi họp ngày 26-2-2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đã có phát biểu kết luận hội thảo như sau: Trung ương đã đầu tư không ít tiền để Cà Mau có và giữ được vùng ngọt hóa rộng lớn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau cũng thấy rõ việc đó và đã xem xét nhiều phía, cân nhắc kỹ và đi đến quyết định thôi phương án đưa mặn vào vùng ngọt hóa. Vì thế, UBND tỉnh nên tính toán bằng phương án khác ít mạo hiểm(1).

Không biết từ “mạo hiểm” mà Thứ trưởng Tuấn nói ở đây nhằm ám chỉ cho những rủi ro nào? Trong khi đó, ông Trần Tân Văn ở Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản cũng cho là biện pháp đưa nước vào các kênh rạch, dù ngọt hay mặn, là giải pháp phù hợp(3).

Nếu xem việc đề xuất đưa nước mặn trở lại kênh mương của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải là mạo hiểm, thì nó cũng không mạo hiểm bằng việc chờ cho hàng ngàn nhà cửa, đường sá, bệnh viện, trường học bị sụt lún rồi mới có giải pháp ngăn chặn. Điều đáng nói là giải pháp đó cũng lại là “đưa nước mặn trở lại”, bởi vì nếu thiếu hụt nguồn nước mưa thì nước ngọt từ sông Hậu không thể nào đến được nơi đây để mà ngăn chặn sụp lún!

(1) https://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43400502-ca-mau-thoi-phuong-an-dua-nuoc-man-vao-vung-ngot-%E2%80%9Cchong-han%E2%80%9D.html

(2) https://vtv.vn/video/phim-tai-lieu-giua-doi-dong-man-ngot-83951.htm

(3) https://www.youtube.com/watch?v=6zCx3DIuZPs

Dương Văn Ni