|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Lý do nào khiến 7 vị CEO ngân hàng rơi vào vòng lao lý?

10:23 | 23/03/2017
Chia sẻ
Hàng loạt đại án ngân hàng được phanh phui và đưa ra xét xử, cho thấy nhiều sai phạm liên quan đến các CEO ngân hàng. Với nhiều lý do khác nhau, các CEO này đã phải dừng bước sự nghiệp đầy danh vọng và không ít hiểm nguy này.

CEO ngân hàng là một trong những vị trí được chọn mặt gửi vàng rất kỹ càng từ những cá nhân có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Tuy nhiên, đây cũng là vị trí có không ít rủi ro mà nhiều người đã phải dừng chân sự nghiệp.

Trong 5 năm trở lại đây, hàng loạt đại án ngân hàng bị đưa ra xét xử với nhiều sai phạm liên quan đến cán bộ cấp cao, đặc biệt là CEO, những người được cho là đứng mũi chịu sào đã phải lao vào vòng lao lý.

1. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) - ông Trần Phương Bình

ly do nao khien 7 vi ceo ngan hang roi vao vong lao ly
Ông Trần Phương Bình (Nguồn: Đông Á Bank)

Sinh năm: 1959

Trình độ: cử nhân Kinh tế

Quá trình công tác: 8 năm giảng dạy kinh tế tại nhiều trường Đại học

1998: Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á

2013: Tổng GĐ kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á

T8/2015: Bị đình chỉ chức vụ tại Ngân hàng Đông Á

2016: Bị bắt do vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động ngân hàng

Theo báo cáo quản trị giữa niên độ 2015, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ cổ phần của ông Bình và các cá nhân có liên quan là 9,7% tại Đông Á Bank. Theo thông tin ban đầu, ông Bình bị bắt vì liên quan đến các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ hơn 2.000 tỉ đồng đối với DongA Bank.

Giai đoạn 2012 trở về trước, ông Bình đã có những quyết sách điều hành dẫn đến kết quả xấu như chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ, giải ngân số tiền lớn ngoài sổ sách, không có chứng từ kế toán, tự lập và duyệt các hồ sơ tín dụng khống, sử dụng tiền công phục vụ mục đích cá nhân.

2. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu Khí Toàn Cầu (GP Bank) – ông Phạm Quyết Thắng

ly do nao khien 7 vi ceo ngan hang roi vao vong lao ly
Ông Phạm Quyết Thắng (Nguồn: GPBank)

Sinh năm: 1973

Trình độ: thạc sĩ quản trị kinh doanh

Quá trình công tác:

2009: Giám đốc chi nhánh VPBank Đông Đô

5/2009: Phó Tổng giám đốc GP Bank

2010: Tổng giám đốc GP Bank.

7/2015: Bị đình chỉ chức vụ

3/2016: Bị bắt về hành vi "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án gây thất thoát 5.500 tỷ đồng.

Cựu CEO này bị bắt cùng với hai nhân vật khác là ông Tạ Bá Long - nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank và Đoàn Văn An - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT. Ông Thắng đã thực hiện theo chỉ thị của hai lãnh đạo này làm tục rút 3.900 tỷ đồng của GP Bank để chuyển vào tài khoản cho Công ty Thành Trung và Sao Bắc rồi từ đây tiền được dùng để trả nợ trái phiếu.

Cơ quan tố tụng xác định các nghi can đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 5.500 tỷ đồng, trong đố gốc 3.900 tỷ, lãi 1.600 tỷ. Ông Long và ông An là chủ mưu, ông Thắng và những người còn lại là đồng phạm giúp sức. Dưới thời ông Thắng, kết quả kinh doanh của GPBank thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu hơn 9.000 tỷ đồng đến cuối 2014 (trong khi vốn điều lệ chỉ 3.000 tỷ đồng), nợ xấu tới 45% và sau đó bị mua lại với giá 0 đồng.

3. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) – ông Nguyễn Phước Hòa

ly do nao khien 7 vi ceo ngan hang roi vao vong lao ly
Ông Nguyễn Phước Hòa (Nguồn: MHB)

Sinh năm: 1956

Trình độ: Cử nhân - Học viện Ngân hàng

Quá trình công tác:

1986: Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh

1991: Giám đốc Ngân hàng Nông Nghiệp tỉnh Tây Ninh

1994 - 9/2000: Giám đốc Sở Giao dịch II Ngân hàng Agribank

10/2000: Ủy viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc MHB

2010: Tái bổ nhiệm chức danh Tổng Giám đốc MHB

T6/2011: Ông được bổ nhiệm giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên MHB 2/2016: Bị bắt vì hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”

Theo điều tra, tháng 4/2011, ông Nguyễn Phước Hoà cùng tham gia góp vốn vào công ty chứng khoán của MHB dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ để sau đó tổ chức này sử dụng gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại chính các chi nhánh của MHB nhằm hưởng chênh lệch lãi suất.

Ông Hòa cũng bị cáo buộc sử dụng chính nguồn vốn của Sở giao dịch Ngân hàng MHB thực hiện mua bán lòng vòng trái phiếu chính phủ của ngân hàng với các công ty trung gian để cho các công ty đó được hưởng lợi nhuận. Cơ quan tố tụng xác định qua hành vi nêu trên đã gây thiệt hại cho nhà nước cả trăm tỉ đồng.

4. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại tín (Trustbank) – ông Trần Sơn Nam

ly do nao khien 7 vi ceo ngan hang roi vao vong lao ly
Ông Trần Sơn Nam (Nguồn: Trustbank)

Sinh năm: 1970

Trình độ: Cử nhân - Học viện Ngân hàng

Quá trình công tác:

2007: Tổng giám đốc Trustbank kiêm thành viên HĐQT

7/2014: Thôi chức vụ Tổng giám đốc Trustbank

1/2017: bị bắt vì sai phạm liên quan đến vụ án Phạm Công Danh

Cựu CEO này cùng một số thành viên cấp cao khác đã tham gia phê duyệt cấp tín dụng trái quy định tổng cộng 650 tỉ đồng. Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm cho thấy việc xét duyệt cho vay trên đã gây thiệt hại cho ngân hàng 470 tỉ đồng. Hành vi này liên quan trực tiếp đến vụ án Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB cùng các đồng phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng.

5. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) – bà Nguyễn Minh Thu

ly do nao khien 7 vi ceo ngan hang roi vao vong lao ly
Bà Nguyễn Minh Thu (Nguồn: Oceabank)

Sinh năm: 1973

Trình độ: Thạc sỹ Kinh doanh

Quá trình công tác:

1994 - 1995: cán bộ Viện nghiên cứu sau thu hoạch Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

1995 - 1996: Cán bộ Văn phòng tư vấn UCE.

1998 – 2002: làm việc tại Ngân hàng Singer & Friendlander và công ty Bristol & Myers Squibb Việt Nam.

2000 - 2007: Chuyên viên, Trưởng phòng Quản lý dòng tiền - Công ty tài chính Dầu khí PVFC.

11/2007 - 11/2008: Phó Giám đốc OceanBank - CN Hà Nội

11/2008 - 12/2010: Phó Tổng giám đốc OceanBank

1/2011 - 10/2014: Tổng giám đốc/ Thành viên HĐQT OceanBank

10/2014 - 12/2014: Chủ tịch HĐQT OceanbBank.

1/2015: Bị bắt vì hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bà từng được xem là một CEO nữ có khả năng thăng tiến tốt nhất trong lịch sử ngân hàng Việt Nam. Theo kết luận của cơ quan điều tra, bà Nguyễn Minh Thu đã triển khai thực hiện thu chênh lệch tỷ giá ngoại tệ bán ra trái quy định theo chỉ đạo của người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Sơn.Theo đó, Khối nguồn vốn và các chi nhánh đã thu chênh lệch tỷ giá đối với 656 hợp đồng, bán ngoại tệ, thu tổng số tiền là 12,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, bà Thu còn cùng với cựu Chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm và một số đạo OceanBank bàn bạc, thống nhất chủ trương chi tiêu ngoài lãi suất huy động đối với khách hàng gửi tiền tại OceanBank, gây thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền 984 tỷ đồng của OceanBank.

6. Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PT Nông thôn (Agribank) - ông Phạm Thanh Tân

ly do nao khien 7 vi ceo ngan hang roi vao vong lao ly
Ông Phạm Thanh Tân

Sinh năm: 1955

Trình độ: Thạc sỹ Kinh doanh

Quá trình công tác: Xuất phát từ vị trí Nhân viên bảo vệ tại Agribank Cam Ranh – Khánh Hòa. Sau đó, ông Tân đã lần lượt nắm các chức vụ Phụ trách Công nghệ thông tin – Trụ sở chính Agribank, Phó Tổng giám đốc Agribank

6/2009 -7/2011: Tổng giám đốc Agribank

7/2011: Miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Agribank chuyển về Văn phòng Ngân hàng Nhà nước.

T1/2013: Bị khởi tố về tội "thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Trong vụ án xảy ra tại Agribank, ông Phạm Thanh Tân bị quy kết có hành vi lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong việc ký duyệt cho chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD trái với yêu cầu của Nghị quyết HĐQT.

Cựu CEO này cũng bị cáo buộc đã hưởng lợi 310.000 USD qua việc cho doanh nghiệp vay vốn. Theo đó, ông bị kết án 22 năm tù. Cấm đảm nhiệm hành nghề 4-5 năm sau khi mãn hạn, tịch thu 310.000 USD.

7. Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) - ông Lý Xuân Hải

ly do nao khien 7 vi ceo ngan hang roi vao vong lao ly
Ông Lý Xuân Hải (Nguồn: ACB)

Sinh năm: 1965

Trình độ: Thạc sỹ Kinh tế - Đại học Paris Dauphine ; Tiến sỹ Toán-Lý - Đại học Tổng hợp Quốc gia Belarus Belarus.

Quá trình công tác:

1993 - 1995 : Công ty Trimex-Moscow.

1996 - 1997 : Phó Giám đốc ACB, Chi nhánh Hải Phòng.

1998 - 2002 : Giám đốc ACB, Chi nhánh Hải Phòng.

2002 - 2005 : Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB.

2004 - 2005 : Phó Tổng Giám đốc ACB, Giám đốc Tài chính ACB.

T6/2005 - T8/2012 : Tổng Giám đốc ACB kiêm Thành viên HĐQT

T8/2012: Bị bắt và bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng”.

Trong bối cảnh rất nhiều ngân hàng khác đang đối mặt tình trạng thanh khoản thấp và dưới áp lực của ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, ông Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào ngân hàng để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại.

Sau đó, ông Hải được giao nhiệm vụ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lớn với tổng số gần 38 nghìn tỷ đồng và hơn 71 triệu USD ủy thác gửi tiền vào 29 tổ chức tín dụng (từ 3/2010-9/2011).

Trong đại án tại ACB, toàn bộ số tiền 719 tỷ đồng ACB mang gửi ở Vietinbank đã bị bà Huyền Như chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ACB. Tháng 12/2014, ông Hải bị Tòa án nhân dân tối cao tuyên phạt 8 năm tù giam. Theo nguồn tin riêng, ông Hải hiện đã mãn hạn tù vào đầu năm nay.

Diệp Bình

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.