Lượng xe công sẽ giảm mạnh nếu dự thảo chính sách mới được thông qua
Tổng cục Hải quan bán thanh lý 50 xe công vụ, có xe giá chưa đến 50 triệu đồng | |
Sẽ tiết kiệm hơn 11.000 tỷ đồng nếu khoán xe công |
Ngoài việc kế thừa những quy định còn phù hợp hiện nay, trong dự thảo Nghị định mới về mua sắm, sử dụng, quản lý xe công, Bộ Tài chính đã tiếp thu các ý kiến tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện còn trên 4 vạn xe công và tiêu tốn ngân sách nhà nước ít nhất 13.000 tỷ đồng/năm (Ảnh minh họa) |
Điểm mới nhất trong dự thảo Nghị định định mức khoán xe công đã tính tới yếu tố thống nhất tổ chức bộ máy tại các địa phương. Theo đó, trong trường hợp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết Trung ương số 18 thì số xe phục vụ công tác chung cấp tỉnh sẽ giảm tới 4 xe.
Cụ thể, đối với các cơ quan tổ chức đơn vị thuộc tỉnh uỷ nếu chưa hợp nhất thì tổng định mức sẽ là 9 xe, gồm 4 xe của văn phòng, 5 xe thuộc của các ban thuộc tỉnh uỷ. Trường hợp đã hoàn thiện việc hợp nhất bộ máy, số xe định mức sẽ chỉ còn 7, giảm 2 xe. Tương tự, đối với các cơ quan đơn vị, tổ chức thuộc hội đồng nhân dân, số xe cũng giảm từ mức 9 xe xuống còn 2 xe, nếu bộ máy tổ chức hợp nhất.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thống nhất tổ chức bộ máy sẽ giảm chức danh lãnh đạo và như thế tiêu chuẩn sử dụng ô tô phục vụ công tác chung cũng sẽ giảm.
Dự thảo Nghị định mới nhất cũng được tính đến yếu tố hợp nhất hai chức danh bí thư cấp uỷ đồng thời cũng là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp. Trong trường hợp một người được giao nhiệm vụ giữ nhiều chức danh có tiêu chuẩn sử dụng ô tô công thì sẽ áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe theo chức danh cao nhất.
Liên quan đến việc áp dụng khoán xe chức danh đối với công đoạn đưa đón từ nơi ở đến cơ quan đối với cấp Thứ trưởng và tương đương, việc tính toán kinh phí sẽ căn cứ vào đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường, không quy định mức trần đơn giá để đảm bảo phù hợp với thực trạng quản lý và giá cả của từng địa bàn… Căn cứ theo các ý kiến đề xuất, Ban soạn thảo đưa ra 2 hình thức khoán kinh phí gồm khoán gọn và khoán theo km thực tế.
Dự thảo Nghị định mới cũng quy định việc khoán “bắt buộc” đối với các chức danh tại tập đoàn kinh tế Nhà nước gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (tương tự chức danh thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh) và chỉ áp dụng bắt buộc với công đoạn đón, đưa từ cơ quan về nhà và ngược lại. Bộ Tài chính khẳng định cơ quan này đã tiến hành thử nghiệm và nhận thấy rất phù hợp và hiệu quả.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước hiện còn trên 40.000.000 xe công và ngân sách nhà nước hàng năm vẫn phải chi ít nhất khoảng 13.000 tỷ đồng cho việc vận hành, sửa chữa, mua sắm mới xe công. Vừa qua, Bộ Tài chính mới tiên phong trong việc khoán xe công cho các Thứ trưởng và một số Tổng cục trưởng thuộc bộ này.