|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Lương thưởng quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo thang bậc thì khó có người tài'

19:37 | 29/11/2024
Chia sẻ
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần có cơ chế quản lý đánh giá, chế độ đãi ngộ để "có người tài đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp".

Chiều 29/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Doanh nghiệp Nhà nước (sửa đổi).

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách, cho rằng cần trao nhiều quyền hơn cho người đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước. Theo ông, thay vì người đại diện này chỉ được giao trách nhiệm về bảo toàn phát triển vốn, trích nộp lợi nhuận... họ cần được toàn quyền trong tổ chức bộ máy, chọn và quyết định cán bộ tại doanh nghiệp Nhà nước.

Lần đầu giải trình trong vai trò Bộ trưởng Tài chính, ông Nguyễn Văn Thắng đồng tình quan điểm cần trao quyền nhiều hơn cho người đại diện vốn Nhà nước, bởi họ giữ vai trò quyết định hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. "Cần cơ chế quản lý đánh giá, gắn với chế độ đãi ngộ và phải có công cụ để họ làm việc", ông nói.

Bộ trưởng Thắng nhìn nhận lâu nay chế độ lương thưởng của người đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước vẫn là vấn đề khó khăn, trở ngại. Ở lần sửa đổi luật này, nhiều điều kiện, trách nhiệm giao cho người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Song theo ông, "đưa ra cơ chế khắt khe, họ làm việc vất vả nhưng chế độ lương, thưởng vẫn theo barem, thang bậc thì không bao giờ có người tài và có cũng không làm hết trách nhiệm".

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình ở phiên thảo luận, chiều 29/11. (Ảnh: Media Quốc hội).

Tương tự, việc quản lý đánh giá với người đại diện vốn này cũng cần khách quan, minh bạch. "Nếu họ làm tốt, doanh nghiệp vượt chỉ tiêu lợi nhuận có được thưởng tăng hay không? Ngược lại, họ làm không tốt, công cụ cảnh báo, thậm chí sa thải có được tính tới không?", ông Thắng đặt vấn đề, khẳng định cần trao quyền cho người đại diện vốn tại doanh nghiệp Nhà nước vì "đã chấp nhận mở ra như doanh nghiệp tư nhân thì phải có cơ chế".

Hiện có 676 doanh nghiệp có vốn Nhà nước, 70% trong số này do Nhà nước giữ 100% vốn. Tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước là hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tổng vốn 1,8 triệu tỷ đồng, tính tới cuối năm 2023.

Ông Hoàng Văn Cường nói doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ khối lượng vốn và tài sản rất lớn nhưng hoạt động kém năng động, hiệu quả mang lại thấp hơn doanh nghiệp tư nhân.

Nguyên nhân là cơ chế quản lý còn chồng chéo, trói buộc và cứng nhắc, nên không phân định rõ trách nhiệm. Điều này dẫn tới vốn Nhà nước đầu tư bị thất thoát, không xác định được trách nhiệm cá nhân hoặc khi phát hiện được thì đã mất tiền, kéo theo mất cán bộ.

Với nguyên tắc có tiền Nhà nước đầu tư cũng phải có cơ chế theo dõi, quản lý tiền vốn ở đó, ông Cường cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh dự thảo luật. Tức là, các quy định của dự luật không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ, cần mở rộng đối tượng nắm giữ dưới 50% vốn, doanh nghiệp F2, F3...

Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách góp ý tại phiên thảo luận, ngày 29/11. (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế - cho rằng mô hình cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp hoạt động mang tính hành chính.

Ông Hùng nói chức năng chủ sở hữu nên được tách bạch với quản lý Nhà nước, công khai trách nhiệm, nghĩa vụ của doanh nghiệp Nhà nước trong hoạt động công ích và xã hội. "Cần hạn chế các can thiệp hành chính vào điều hành, gắn cơ chế trách nhiệm giải trình, giám sát và cơ chế tuyển nhân sự quản lý, điều hành gắn với hiệu quả công việc", ông góp ý.

Theo báo cáo của Chính phủ, quy định hiện nay còn thể hiện sự "can thiệp hành chính" của Nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp. Tức là chưa bao quát được công tác quản lý dòng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, gồm nội dung sắp xếp, cơ cấu lại vốn nhà nước ở doanh nghiệp.

Do đó, ở lần sửa đổi này, dự thảo luật đưa ra quy định điều chỉnh việc sử dụng vốn, tài sản theo hướng "đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp", nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp, không can thiệp hành chính vào hoạt động và tăng cường phân cấp mạnh gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Góp ý, ông Trịnh Xuân An - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh - cho rằng với mục tiêu cởi trói và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Nhà nước, nên rà soát và giảm bớt quy định mang tính hành chính.

"Mô hình cơ quan quản lý vốn vẫn chưa có sự thay đổi lớn về đại diện quyền sở hữu vốn. Cần có mô hình mang tính cách mạng hơn, đổi mới hơn nữa việc quản lý vốn để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Nhà nước", ông An nêu.

Ông Nguyễn Văn Thắng nói Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, hoàn thiện để có bản thảo tốt nhất, gửi Quốc hội xem xét, góp ý kiến tại kỳ họp năm sau.

Anh Minh