Kiến nghị thí điểm cơ chế ưu đãi đặc thù cho doanh nghiệp xanh
Thông tin được ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), chia sẻ tại tọa đàm "Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu", chiều 28/11.
Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, xác định tăng trưởng xanh là định hướng quan trọng cho kinh tế-xã hội giai đoạn tiếp theo.
Theo đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào tiến trình này sẽ được hưởng hai ưu đãi về tài chính và phi tài chính. Cụ thể, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, phát thải thấp, tận dụng và lưu trữ carbon... được hưởng ưu đãi thuế, tiếp cận tài chính, lãi suất. Với ưu đãi phi tài chính, đơn vị có cam kết về tiến trình tăng trưởng xanh được xem xét, phê duyệt để có quy trình thủ tục đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất. Để được hưởng ưu đãi, doanh nghiệp phải đáp ứng được các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra cho tiến trình tăng trưởng xanh.
Tuy nhiên, ông Việt Anh cho biết nhà chức trách sẽ đề xuất chọn một số dự án đầu tư thí điểm cơ chế đặc thù. Các dự án được chọn cần đáp ứng tiêu chí, nguyên tắc tăng trưởng xanh hoặc doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, bảo vệ môi trường để giảm mức khí thải.
"Chúng tôi đang nghiên cứu, hoàn thiện và bổ sung chính sách. Song điều này đòi hỏi sự phối hợp của các bên liên quan, trong đó có doanh nghiệp", ông Việt Anh nói.
Cùng với đó, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh để được hưởng ưu đãi đang được các bộ, ngành hoàn thiện. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao ban hành hệ thống xanh quốc gia. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư sẽ đưa ra hệ thống ngành xanh quốc gia, từ đó xác định doanh nghiệp, dự án được hưởng ưu đãi.
"Hệ thống phân loại xanh sẽ là cơ chế mở để cập nhật công nghệ, loại hình kinh doanh mới của doanh nghiệp, giúp họ tiếp cận và hưởng ưu đãi", ông Việt Anh nói.
Tuy vậy, một trong những thách thức của quá trình tăng trưởng xanh, theo các chuyên gia, là nhận thức của doanh nghiệp. Ví dụ, việc "tẩy xanh" (greenwashing) - động thái cố tình hay vô ý gây sai lệch thông tin có thể khiến người tiêu dùng tin rằng doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường.
Đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết tới đây, cơ quan quản lý sẽ xác định hệ thống, cơ chế chính sách để "thưởng phạt phân minh". Tức là, ưu đãi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính và không bỏ sót đơn vị phải chịu chế tài khắt khe.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho rằng điều quan trọng trong tăng trưởng xanh là tập trung vào những tài năng Gen Z - đối tượng có tri thức, kinh nghiệm và niềm tin vào kinh tế xanh.
"Chúng ta cần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng", ông Binu Jacob nói.
Ông dẫn chứng Nestlé Việt Nam sử dụng nguyên liệu tái chế sản xuất chai nhựa. Song phần lớn người tiêu dùng cho rằng doanh nghiệp chỉ "rửa và sử dụng lại nguyên liệu bỏ đi".
Ở khía cạnh này, ông Việt Anh cũng nhìn nhận cần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng sản phẩm xanh. Bởi khi người dùng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường sẽ tạo động lực để doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp tục phát triển bền vững và tăng trưởng xanh.